Lưu ý:

Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

“Nữ tướng” PepsiCo: Các bạn đừng tưởng có bằng MBA là giỏi, quan niệm đó xưa rồi!

Trong một buổi chia sẻ mới đây, bà Indra Nooyi - CEO PepsiCo - cho rằng, các chương trình MBA hiện nay khá lỗi thời và cần phải được cải tiến ngay lập tức nếu không muốn phản tác dụng.

Cụ thể, trong buổi chia sẻ tại sự kiện Đổi mới của Fast Company, bà Nooyi chỉ trích các chương trình MBA vì đã “nhồi nhét” tới 50 case (nghiên cứu tình huống) vào trong một học kỳ, hơn nữa lại không tập trung đủ vào công nghệ thông tin vốn rất cần thiết trong nền kinh tế hiện đại.

“Tôi không hiểu tại sao chúng ta không tập trung vào 5 đến 6 case, mỗi case tập trung trong vòng 1 đến 2 tuần để giúp sinh viên có thể thực sự hiểu được các khía cạnh của kinh doanh và nền kinh tế cũng như các vấn đề chính trị, môi trường”, bà Indra Nooyi phát biểu.

Theo “nữ tướng” ngành đồ uống, việc tập trung đầy đủ và sâu sắc vào một vài nghiên cứu tình huống giới hạn sẽ cho phép sinh viên hiểu sâu hơn về tính “đa dạng và phức tạp của hoạt động kinh doanh”, thay vì họ chỉ hiểu bề nổi như các chương trình MBA hiện nay mang lại.

Bên cạnh đó, bà Indra Nooyi cũng chỉ trích rất nhiều chương trình MBA hiện nay không dạy sinh viên về khoa học máy tính.

“Công nghệ giống như một thứ ngôn ngữ mới mà bạn bắt buộc phải học để có thể cạnh tranh trong môi trường kinh doanh hiện đại”, bà nói.

Trên cơ sở đó, CEO PepsiCo cho rằng đây là hai vấn đề quan trọng nhất mà các trường kinh doanh nên thay đổi và điều chỉnh trong chương trình giảng dạy của mình.

“Chúng ta đã tạo ra một thế hệ sinh viên không biết chút gì về việc kinh doanh trên thực tế. Họ luôn tự hào nói rằng họ có tấm bằng MBA đẹp và một nền giáo dục tốt, nhưng đó chỉ là bề nổi. Họ không có kiến thức và hiểu biết thực sự về những vấn đề bên trong nền kinh tế. Tôi nghĩ đó mới là vấn đề các chương trình MBA hiện nay cần quan tâm”, bà Indra Nooyi khẳng định.

Xuất thân là một cô gái Ấn Độ, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh ở Calcuta năm 1976, bà Indra Nooyi được nhận vào làm Giám đốc sản phẩm cho Johnson & Johnson tại Ấn Độ. Một chân trời mới mở ra khi Nooyi được sang Mỹ lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Yale, về quản trị công. Từ đó, cuộc đời bà rẽ sang một trang hoàn toàn mới.

Là người đứng đầu 1 trong 4 tập đoàn lớn nhất thế giới hiện nay, Indra đã đưa nhiều chiến lược phát triển đột phá mang tính toàn cầu cho PepsiCo, trong đó có thương vụ đình đám: thâu tóm thành công Wimm-Bill-Dann Foods, công ty sản xuất thực phẩm và đồ uống hàng đầu tại Nga. Cho đến nay, đây vẫn là thương vụ quốc tế lớn nhất trong lịch sử của PepsiCo.

Trong danh mục sản phẩm toàn cầu, PepsiCo có 22 thương hiệu tạo ra hơn 1 tỷ USD doanh số bán lẻ mỗi năm, bao gồm Pepsi-Cola, Quaker, Tropicana, Gatorade, Frito-Lay... Hiện PepsiCo là tập đoàn kinh doanh thực phẩm và nước giải khát lớn thứ 2 trên thế giới về doanh thu thuần, với con số đạt được hàng năm lên tới hơn 63 tỷ USD.

Với sự thành công và tầm ảnh hưởng của mình, Indra liên tục góp mặt trong Top 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Tạp chí Forbes. Năm 2014, bà đứng thứ 13 trong danh sách này. Bà cũng là thành viên của Hội đồng quản trị Diễn đàn Kinh tế Thế giới, thành viên Viện Hàn lâm Mỹ thuật và khoa học Hoa Kỳ.

Indra Nooyi là minh chứng cho thấy dù bạn là ai và đến từ đâu, bạn vẫn có thể vươn lên dẫn đầu chỉ cần bạn có đủ ý chí và quyết tâm để đạt được giấc mơ đó.

Theo Trịnh Thơm

Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Vietnam Airlines lại chuẩn bị khuấy động thị trường hàng không Việt Nam với một hãng hàng không mới?

Việc định giá, góp vốn thành lập và cấp giấy phép kinh doanh hàng không cho SkyViet vừa được Văn Phòng Chính phủ "khởi động" lại với Bộ Giao thông Vận tải.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc định giá, góp vốn, thành lập và đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, giấy phép kinh doanh hàng không CTCP Hàng không SkyViet.

Theo công văn, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải báo cáo lại toàn bộ quá trình thực hiện Đề án này để xem xét có chủ trương thực hiện tiếp hay không theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời có báo cáo Văn phòng Tổng Bí Thư trong tháng 5/2017.

Đề án thành lập hãng hàng không SkyViet được xây dựng trên cơ sở tổ chức lại Công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco) – một đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HVN ).

Vào cuối tháng 10/2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và cho phép Vietnam Airlines xây dựng đề án thành lập hãng hàng không cổ phần trên cơ sở tổ chức lại VASCO. Ngày 30/12/2015, Người đại diện phần vốn nhà nước tại Vietnam Airlines đã có Công văn về việc xin phê duyệt chủ trương góp vốn thành lập hãng hàng không theo mô hình công ty cổ phần trên cơ sở sắp xếp lại VASCO có quy mô vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng.

Về cơ cấu cổ đông và tỷ lệ góp vốn, Đề án thành lập Công ty Cổ phần hàng không VASCO được trình Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ, tỷ lệ vốn góp của Vietnam Airlines là 51% vốn điều lệ bằng tài sản hiện hữu do VASCO đang quản lý và khai thác, kho phụ tùng vật tư máy bay ATR72-500, động cơ dự phòng máy bay ATR72 (99,2 tỷ đồng) và Vietnam Airlines góp thêm tiền mặt là trên 53,7 tỷ đồng.

Bên cạnh Vietnam Airlines, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên quản lý quỹ Kỹ thương (Techcom Capital) góp 48% vốn điều lệ; Công ty cổ phần phát triển dự án Techcomdeveloper góp 1% vốn điều lệ. Tuy nhiên, theo nguồn thông tin riêng cho biết, liên quan đến việc thành lập Công ty cổ phần hàng không SkyViet, Techcom Capital được nhà đầu tư bên ngoài uỷ thác khi tham gia thành lập SkyViet. Hiện theo yêu cầu của nhà đầu tư, Techcom Capital đang trong quá trình rút vốn và sắp tới không còn tham gia vào các hoạt động của SkyViet.

Trước đó, ngày 10/3, Công ty cổ phần Hàng không SkyViet đã được Sở KH&ĐT TPHCM cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 1/4/2016 sau khi được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung.

Theo Lan Anh

Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Tỷ phú Trịnh Văn Quyết bất ngờ lấn sân sang ngành hàng không, chi 700 tỷ lập Viet Bamboo Airlines

Hãng hàng không Tre Việt có vốn điều lệ 700 tỷ đồng do FLC sở hữu 100%. Thời gian gần đây, liên tiếp có những tên tuổi lớn rục rịch gia nhập thị trường hàng không Việt Nam.

Tập đoàn FLC vừa bất ngờ công bố nghị quyết về việc thành lập công ty con trong lĩnh vực hàng không.

Cụ thể, FLC thành lập Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines) vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Tập đoàn FLC sẽ sở hữu 100% tại Tre Việt và giao ông Đặng Tất Thắng, Phó Tổng giám đốc FLC, làm người đại diện quản lý phần vốn góp của FLC tại Tre Việt.

Ngành, nghề đăng ký kinh doanh của Tre Việt là kinh doanh bất động sản, xây dựng nhà các loại, vận tải hàng hóa, vận tải hành khách và một số ngành nghề kinh doanh thương mại dịch vụ khác.

Số vốn điều lệ 700 tỷ đồng là mức vốn tối thiểu để khai thác 10 tàu bay nếu vận chuyển hàng không quốc tế, hoặc khai thác 30 tàu bay nếu chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.

Việc FLC lấn sân vào lĩnh vực hàng không diễn ra trong bối cảnh thị trường còn rất tiềm năng. Trên thị trường hàng không hiện nay, mới chỉ có 4 cái tên lớn gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO, trong đó sự cạnh tranh chủ yếu diễn ra giữa Vietnam Airlines và Vietjet Air.

Sự hấp dẫn của thị trường hàng không khiến nhiều tên tuổi khác đang lần lượt xếp hàng chờ bay. Hồi cuối tháng 3, hãng hàng không giá rẻ Air Asia đã bắt tay với Tập đoàn Thiên Minh để tiến tới lập hãng hàng không giá rẻ tại thị trường Việt Nam. Đây là lần thứ tư Air Asia có động thái muốn bay trên bầu trời Việt Nam.

Bên cạnh đó, hãng hàng không Vietstar Airlines cũng đang liên tục thực hiện các thủ tục để xin cấp phép bay nhưng vẫn chưa được chấp thuận do hạ tầng quá tải.

Trong một diễn biến khác, Vietnam Airlines cũng đang xây dựng đề án thành lập hãng hàng không SkyViet trên cơ sở tổ chức lại VASCO. Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Vietjet Air, Vietnam Airlines những năm gần đây liên tục đánh mất thị phần bay nội địa vào tay đối thủ.

Hà My

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Tỷ phú dành 8 tỷ USD làm từ thiện: Ở nhà thuê, đi máy bay hạng siêu tiết kiệm, thích kiếm tiền nhưng không muốn sở hữu chúng

“Có những thứ còn giá trị hơn tiền bạc. Đó là sự hài lòng và mãn nguyện mà bạn có được khi làm điều có ích cho người khác”, tỷ phú Feeney chia sẻ về triết lý sống của mình.

Sinh ra ở New Jersey trong một gia đình viên chức người Mỹ gốc Ireland, Chuck Feeney là nhà đồng sáng lập ra chuỗi cửa hàng mua sắm miễn thuế (DFS). Đây cũng là chuỗi cửa hàng bán lẻ miễn thuế lớn nhất thế giới. Ông thích kiếm tiền nhưng lại không muốn sở hữu chúng, nên nhiều năm liền đã bí mật làm từ thiện phần lớn khối tài sản khổng lồ trị giá hàng tỷ USD.

Trong suốt cuộc đời mình, Feeney đã đi khắp thế giới để trao tặng số tài sản 8 tỉ USD thông qua Quỹ từ thiện Atlantic Philanthropies do ông sáng lập. Atlantic Philanthropies là một tập hợp các quỹ tư nhân đã trải qua hơn 3 thập kỷ và vẫn đang tiếp tục tài trợ cho sự phát triển thông qua đầu tư vào công nghệ trong các công ty lớn như Facebook hay Alibaba.

Thế nhưng trong 1.000 tòa nhà do quỹ Atlantic Philanthropies của tỷ phú Feeney xây dựng, không có một tòa nhà nào mang tên ông. Vị tỷ phú gọi đó là “cho đi khi bạn đang sống”.

“Có những thứ còn giá trị hơn tiền bạc. Đó là sự hài lòng và mãn nguyện mà bạn có được khi làm điều có ích cho người khác”, tỷ phú Feeney chia sẻ về triết lý sống của mình.

Hiện nay ở tuổi 80, tỷ phú Feeney chỉ giữ lại bên mình 2 triệu USD tài sản để sống suốt phần đời còn lại – ít hơn 0.001% tổng tài sản 8 tỷ USD mà ông đã cho đi.

Với phương châm “Sống để làm việc, chứ không phải để làm giàu”, vị tỷ phú này có một cuộc sống giản dị đến “tầm thường”. Ông ở nhà thuê trong một căn hộ tại San Francisco và luôn đi vé máy bay hạng bét cho đến khi 75 tuổi.

Ông cũng thường mang theo sách báo và tài liệu đựng trong một chiếc túi nhựa cũ kĩ. Không những thế, ông còn từ chối bữa trưa sang trọng tại thành phố New York để dùng món bánh mì kẹp thịt tại một quán rượu bình thường.

Có lẽ ghế ngồi tồi tàn và chật hẹp trên những chuyến bay hạng bét cùng với những chiếc burger kẹp thịt rẻ tiền trở thành một phần rất đỗi bình thường trong cuộc sống của vị tỷ phú đến từ New Jersey này.

Giống như Feeney, tỷ phú kiêm nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng có cuộc sống hết sức giản dị khi ông sống trong căn nhà 3 phòng ngủ mua với giá 31.000 USD từ năm 1958 tại Omaha và cam kết dành hết tài sản của mình cho các hoạt động từ thiện.

Trong khi các tỷ phú khác lo tích góp tài sản thì Chuck Feeney lại cố gắng hết sức làm cho mình… rỗng túi. Ông bắt đầu sứ mệnh “làm rỗng túi” vào năm 1984 khi ông chuyển toàn bộ 38,75% cổ phần sở hữu trong Duty Free Shoppers cho Quỹ Atlantic Philanthropies.

Một điều đặc biệt ở Feeney là ông cho đi một cách rất lặng lẽ. Trong 15 năm đầu tiên làm từ thiện, Feeney luôn giấu tên. “Tôi đã phải thuyết phục ban ủy thác rằng tiền Feeney quyên tặng là trong sạch”, Frank Rhodes - Nguyên Chủ tịch Đại học Cornell nhớ lại kỷ niệm khi nhận quyên góp từ tỷ phú Feeney.

Hai người đàn ông giàu nhất thế giới, Bill Gates và Warren Buffett, cũng gọi ông là “nguồn cảm hứng” cho cả Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation lẫn Quỹ Giving Pledge.

“Tôi không ở đây để nói với các bạn phải làm gì với tiền bạc. Bạn kiếm được tiền, bạn có thể làm bất cứ điều gì mà bạn muốn. Nhưng tôi nghĩ rằng, chúng ta đều phải có nghĩa vụ cho đi khi có thể”, tỷ phú 80 tuổi chia sẻ.

Để nói về những điều tâm huyết trong suốt cuộc đời mình, tỷ phú Feeney luôn tâm đắc câu tục ngữ của người Xentơ: “Không có túi đựng tiền trong tấm vải liệm”.

Theo Trịnh Thơm

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Vì sao Vinamilk, Vingroup và hàng loạt doanh nghiệp lớn khác đều lỡ hẹn với sàn chứng khoán quốc tế?

Cả Vietjet và VNG đều đang tỏ rõ tham vọng muốn trở thành doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đưa cổ phiếu niêm yết trên thị trường bên ngoài. Tuy vậy, cả Vietjet hay VNG đều không phải người đầu tiên nghĩ đến việc đưa cổ phiếu ra quốc tế.

Những doanh nghiệp từng lỡ hẹn

Đầu năm 2008, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) chấp thuận về việc có thể mang toàn bộ lượng cổ phiếu phát hành thêm bằng 5% vốn điều lệ tại thời điểm đó (hơn 8,7 triệu cổ phần), tương đương 3% vốn điều lệ sau khi phát hành sang niêm yết tại thị trường chứng khoán Singapore. Đến tháng 10/2008, Sở giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) cũng đã có văn bản chấp thuận việc niêm yết cổ phiếu của Vinamilk tại thị trường nước này.

Tuy nhiên chỉ 1 tháng sau đó Vinamilk thông báo hoãn kế hoạch niêm yết. Theo doanh nghiệp này, thị trường thế giới thời điểm đó có nhiều biến động khó dự đoán nên HĐQT đã quyết định tạm dừng việc phát hành và niêm yết cổ phiếu trên SGX-ST, dự kiến khi điều kiện thị trường thuận lợi công ty sẽ tiếp tục thực hiện. Đến giữa năm 2009, Vinamilk công bố tái khởi động lại kế hoạch, nhưng kết quả sau đó vẫn chỉ là dậm chân tại chỗ.

Cùng thời điểm với Vinamilk, CTCK Sài Gòn (SSI), PVDrilling hay Tập đoàn Kido (tên cũ là Kinh Đô) cũng đều đưa ra đề xuất đăng ký niêm yết cổ phiếu tại những trung tâm tài chính lớn như Singapore, Hong Kong hay xa hơn Mỹ, nhưng hầu như các kế hoạch này chỉ xuất hiện một cách chớp nhoáng và nhanh chóng chìm vào quên lãng.

Sau khi thị trường tài chính thế giới bắt đầu có sự phục hồi vào giai đoạn 2010 – 2012, nhiều tập đoàn lớn trong nước như Hoàng Anh Gia Lai, thậm chí cả một số doanh nghiệp có quy mô thuộc tầm trung cũng manh nha kế hoạch đưa cổ phiếu ra thị trường quốc tế nhằm tăng uy tín, cũng như khả năng huy động vốn từ nhà đầu tư ngoại. Nhưng cũng không khác những doanh nghiệp đi trước, đa phần các kế hoạch này đến nay vẫn chỉ dừng ở mức dự định hoặc đang trong quá trình thực hiện.

Một trong những trường hợp hiếm hoi doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam (đăng ký kinh doanh tại Mỹ) thông qua phương pháp niêm yết cửa sau đã đưa được cổ phiếu lên thị trường quốc tế là Cavico Corporation.

Được thành lập ngày cuối tháng 2/2000, CTCP xây dựng và đầu tư Việt Nam - Cavico Việt Nam (theo đăng ký, công ty này lại là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài) là một công ty tư nhân chuyên về lĩnh vực đầu tư – xây dựng cơ bản với các ngành nghề chính như xây dựng công trình ngầm, đập thuỷ điện, cầu, đường giao thông, nhà cao tầng... Hành trình lên sàn Nasdaq của Cavico được tiến hành bằng hình thức “niêm yết cửa sau” thông qua sát nhập với một công ty đã có cổ phiếu được giao dịch tại thị trường Pink Sheets (thị trường OTC của Mỹ) - Công ty Agent155 Media Group vào năm 2006.

Đến năm 2009, Cavico đã tiến hành các thủ tục cần thiết để đưa cổ phiếu của công ty tiến lên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq. Nhưng chỉ sau đó 2 năm, với hàng loạt vi phạm về quy định công bố thông tin báo cáo tài chính năm, không đáp ứng yêu cầu tối thiểu về thanh khoản và thị giá cổ phiếu, Cavico đã phải chính thức chia tay sàn giao dịch lớn thứ 2 thế giới này.

Cuối năm 2015, trên trang FinanceAsia đã đăng tải bài viết về việc Huy Việt Nam – đơn vị vận hành chuỗi nhà hàng Món Huế, Phở Ông Hùng – chuẩn bị IPO trên sàn chứng khoán Hongkong (HKSE). Bài báo đưa ra thời điểm đó cũng đã đề cập đến vấn đề đang gây xôn xao hiện nay - “lần đầu tiên công ty Việt Nam niêm yết cổ phiếu tại nước ngoài”.

Tuy vậy, cũng giống trường hợp của Cavico, Huy Việt Nam thực tế lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và việc niêm yết thực ra lại là một doanh nghiệp cũng mang tên Huy Việt Nam nhưng được đăng ký kinh doanh tại “thiên đường thuế” Cayman Island.

Nguyên nhân

Với những trường hợp như Vinamilk, SSI hay Kido, ý định niêm yết cổ phiếu tại thị trường nước ngoài từ năm 2008 gặp rất nhiều khó khăn về mặt pháp lý khi luật của Việt Nam thời điểm đó hoàn toàn chưa đề cập đến những nội dung này. Phải đến 4 năm sau với Nghị định 58 và đến năm 2015 với Nghị định 60, khung pháp lý cơ bản cho việc đưa cổ phiếu ra thị trường quốc tế với được hình thành.

Ngoài ra, như trường hợp Vinamilk – doanh nghiệp đã nhận được sự chấp thuận của cả Việt Nam và Singapore cho vấn đề niêm yết, quyết định dừng hoạt động này lại đến từ lo ngại nhiều biến động khó dự đoán từ thị trường quốc tế.

Theo nhìn nhận của một số chuyên gia, không phải điều kiện niêm yết mà những quy định khắt khe đối với cổ phiếu sau niêm yết mới là vấn đề đáng ngại, đặc biệt là các tiêu chuẩn quản trị, xây dựng báo cáo tài chính, công bố thông tin theo chuẩn mực quốc tế mới là điều từng khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam chùn chân khi nhắc bước.

Đơn cử như sự khác nhau giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) với chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) khiến BCTC phải xây dựng với một quy chuẩn khác, vấn đề chi trả cổ tức liên quan cổ đông nước ngoài bằng USD sẽ gây ra những khó khăn liên quan đến ngoại hối, các quy chuẩn về quản trị, hay doanh nghiệp phải có market maker riêng nhằm duy trì thanh khoản và thị giá cổ phiếu...

Đến hiện tại, vẫn chưa có doanh nghiệp nào thành lập tại Việt Nam trực tiếp đưa cổ phiếu của mình niêm yết tại nước ngoài. Nếu Vietjet hay VNG có thể trở thành người tiên phong thì một kênh huy động vốn hấp dẫn mới có thể được mở ra.

Theo Tuyết Lan

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam: “Nên bỏ khái niệm Kinh tế Tư nhân”

Theo ông Trần Anh Dũng, thay vào đó, nên sử dụng khái niệm: các hoạt động kinh tế CÓ dùng vốn ngân sách và các hoạt động kinh tế KHÔNG dùng vốn ngân sách.

Tại Hội thảo Đổi mới Doanh nghiệp diễn ra vào ngày 30/05 vừa qua, ông Trần Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Năng lượng Thiên Phú, Đại diện Hội Doanh Nhân Trẻ Việt Nam đã phát biểu và nhấn mạnh: “Phải loại bỏ khái niệm Kinh tế Tư nhân”.

Theo ông Dũng, cần phải thay đổi căn bản về tư duy phân biệt đối xử giữa hai hình thái Kinh tế Nhà nước với Kinh tế Tư nhân. Thay vào đó, nên sử dụng khái niệm: các hoạt động kinh tế CÓ dùng vốn ngân sách và các hoạt động kinh tế KHÔNG dùng vốn ngân sách.

Tại sao?

Đại diện Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam cho rằng, động lực và tiền đề cho sự phát triển của doanh nghiệp tóm gọn trong hai yếu tố: Thị trường và Nguồn nguyên liệu.

Nhưng sự tồn tại song song hai hình thái Kinh tế Nhà nước và Kinh tế Tư nhân với những cơ chế và khả năng rất khác nhau về tiếp cận thị trường và tiếp cận nguồn nguyên liệu đã và đang kìm hãm sự phát triển tự nhiên của DN tư nhân.

“Chính phủ sẽ không thể thực hiện tốt vai trò là Chính phủ kiến tạo, không thể thu hút được nguồn vốn tư nhân vào các chương trình hợp tác công tư, không thể huy động được sức mạnh tổng lực của toàn dân tham gia vào phát triển kinh tế đất nước nếu chúng ta vẫn tiếp tục duy trì tình trạng con đẻ - con nuôi.” – Chủ tịch của công ty Năng lượng Thiên Phú phát biểu.

Sự thay đổi căn bản về tư duy quản lý kinh tế vỹ mô bắt đầu với sự thừa nhận hai hình thái của hoạt động kinh tế, các hoạt động kinh tế CÓ dùng vốn ngân sách và các hoạt động kinh tế KHÔNG dùng vốn ngân sách, sẽ là điểm khởi đầu kích hoạt cho sự thừa nhận và ủng hộ cho sự phát triển bình đẳng của tất cả các thành phần kinh tế.

Điều đó được thể hiện qua 03 khía cạnh sau:

Các Doanh nghiệp không sử dụng vốn ngân sách được đảm bảo không bị phân biệt đối xử và được hỗ trợ bình đẳng khi tham gia thị trường, tiếp cận nguồn vốn, truy cập thông tin, thu hút nhân tài, hay huy động bất kỳ nguồn lực nào khác.

Lợi ích quan trọng mà cam kết này mang lại là số lượng các Doanh nghiệp cần sử dụng vốn ngân sách sẽ được thu hẹp đến mức tối đa vì có thể định hóa một cách cụ thể các loại hình hoạt động kinh tế nào cần thiết phải sử dụng vốn ngân sách. Ví dụ các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, viễn thông công ích, hay các hoạt động về bảo đảm an ninh quốc phòng.

Tiến trình cổ phần hóa các DNNN sẽ được đẩy nhanh và giúp làm giảm gánh nặng lên ngân sách nhà nước, giảm bội chi ngân sách.

Các Doanh nghiệp không sử dụng vốn ngân sách được đảm bảo không bị phân biệt đối xử và được hỗ trợ bình đẳng bởi hệ thống luật pháp và cơ chế chính sách bao gồm, nhưng không giới hạn, là các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bảo hộ thị trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, v.v…

Lợi ích quan trọng mà cam kết này mang lại là sự tinh giản đến mức tối đa các cơ chế và chính sách về thuế, hải quan, thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Qua đó, tăng cường sự minh bạch trong hoạt động lập pháp và hành pháp, qua đó tạo dựng được niềm tin và sự an tâm trong giới doanh nghiệp về tính ổn định và khả năng dự báo của chính sách, pháp luật.

Điều này sẽ giúp khuyến khích, thúc đẩy hoạt động đầu tư và mở rộng SXKD, không chỉ đối với các Doanh nghiệp trong nước mà còn có tác động mạnh mẽ tới khuyến khích, thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Các Doanh nhân không thuộc khối DNNN sẽ được đảm bảo cơ hội tham gia đóng góp sực lực, trí tuệ trong bộ máy chính quyền.

Điều này cho phép Chính phủ thu hút được một lượng lớn nhân tài là các doanh nhân thành đạt tham gia đóng góp vào công tác quản lý và điều hành kinh tế đất nước.

“Hơn lúc nào hết, tăng cường khả năng thu hút nhân tài vào bộ máy chính quyền và huy động được nguồn lực toàn dân vào phát triển kinh tế đất nước có ý nghĩa sống còn với tương lai của nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những sức ép ngày càng tăng và phải đương đầu với tốc độ thay đổi chóng mặt của các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội toàn cầu” – ông Dũng nói.

Theo Thu Nga

Thời Đại

Đọc tiếp »

Nghịch lý thị trường ôtô Việt Nam (2): Giá cao không khó bán

Ít có nơi nào như Việt Nam, nơi người tiêu dùng thường chọn mua những chiếc xe có giá bán cao hơn...

Ít có nơi nào như Việt Nam, nơi người tiêu dùng thường chọn mua những chiếc xe có giá bán cao hơn, thay vì mua những chiếc xe có giá thấp hơn trong cùng một nhóm sản phẩm.

Chính tâm lý này đã khiến các hãng xe nước ngoài khi gia nhập thị trường hoặc đưa về Việt Nam một mẫu xe mới thường phải tính toán kỹ lưỡng trước khi chính thức bán ra.

Ôtô khác bóng đèn

Với đa số người tiêu dùng Việt Nam, nhà ở và ôtô là hai trong số những mặt hàng được cho là quan trọng nhất, có tác động lớn nhất và đầy đủ nhất đến đời sống hằng ngày. Chính vì vậy, việc lựa chọn ôtô hay nhà ở luôn được người tiêu dùng tính toán kỹ lưỡng và mục tiêu cuối cùng thường được hướng đến là sản phẩm có giá trị tốt hơn cho dù số tiền bỏ ra cũng cao hơn đáng kể.

Thực tế này xuất phát từ tâm lý của nhiều người tiêu dùng là cố gắng đến mức tối đa có thể để mua một chiếc xe trang bị đầy đủ công năng nhất. Lựa chọn này sẽ giúp họ không phải băn khoăn hay tiếc nuối khi gặp những tình huống mà nếu chọn phiên bản đầy đủ, họ sẽ được đáp ứng một cách trọn vẹn.

Chẳng hạn, trong một mẫu xe với nhiều phiên bản khác nhau, dù có mức giá bán chênh lệch khá lớn song không vì thế mà phiên bản cao cấp nhất (đồng nghĩa với giá cao nhất) lại khó bán hơn các phiên bản thấp hơn.

Anh Tiến, chủ một cửa hiệu thời trang tại Đống Đa (Hà Nội), cho rằng giống như nhà ở, chiếc xe ôtô là phương tiện phục vụ cá nhân anh và gia đình hằng ngày. Bởi vậy, dù có vai trò quyết định song anh vẫn phải tham khảo kỹ lưỡng ý kiến và tìm hiểu sở thích của từng thành viên trong gia đình trước khi mua xe. Mà đối với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là các em nhỏ, nhu cầu giải trí và thư giãn trên xe luôn được đặt lên hàng đầu.

“Chiếc xe có hai nhiệm vụ quan trọng là phục vụ công việc của tôi và phục vụ gia đình mỗi khi cần đi đâu xa, du lịch chẳng hạn. Cho nên, nó buộc phải tiện dụng, dễ chịu và cả bền bỉ nữa. Nếu chỉ phục vụ công việc tôi đã chọn chiếc Toyota Fortuner thấp nhất và giá rẻ nhất. Nhưng vì dùng cho cả gia đình, bao gồm cả tứ thân phụ mẫu, nên cuối cùng tôi đã mua chiếc Fortuner V dẫn động một cầu. Đây là phiên bản gần cao cấp nhất, được trang bị đầy đủ công nghệ, chỉ kém ở điểm là một cầu thay vì hai cầu”, anh Tiến nói.

Anh Cường, chủ một doanh nghiệp xây dựng tại Hoàng Mai (Hà Nội) lại có cách chọn lựa khác. Theo anh, chiếc ôtô khác với cái bóng điện. Bóng điện tuổi thọ ngắn, chỉ có một chức năng là thắp sáng và có thể thay thế bất kỳ lúc nào. Nhưng ôtô thì khác, nó phục vụ mình, làm bạn với mình cả một quãng thời gian rất dài, có khi đến nửa đời người nếu như biết sử dụng đúng cách và không có nhu cầu nâng cấp.

Do làm nghề xây dựng nên anh Cường thường xuyên phải đi xa, nhất là những công trình ở các địa phương có điều kiện giao thông khó khăn. Vì vậy, anh cần một chiếc xe bán tải vừa tiện di chuyển, vừa có thể tận dụng để vận tải dụng cụ lao động.

“Tôi đã tính toán rất kỹ giữa việc tiết kiệm chi phí với khả năng phục vụ công việc tốt nhất. Cuối cùng tôi chọn Ford Ranger Wildtrak 3.2L. Đây là phiên bản cao nhất của Ranger, nó vừa giúp tôi giải trí khi đi đường xa vừa đảm bảo tôi có thể đến các công trình nơi vùng sâu vùng xa với động cơ khỏe và dẫn động hai cầu, không phải “bó tay” hay nhờ trợ giúp khi gặp những tình huống khó. Tính ra, dù phải trả số tiền cao hơn đến cả trăm triệu so với mấy xe khác, nhưng hiệu quả sử dụng lại cao hơn”, anh nói.

Lựa chọn tối ưu

Nhiều người tiêu dùng thừa nhận một thực tế là trước khi mua xe, họ thường tìm hiểu và nhắm đến những mẫu xe giá rẻ. Tuy nhiên, khi đi mua xe, họ lại lựa chọn những chiếc xe cao cấp hơn, có chất lượng (được đánh giá) tốt hơn mặc dù giá bán cao hơn.

Các hãng xe biết rõ điều này và trong biểu giá bán lẻ, đa số các hãng xe đều công bố giá của phiên bản thấp nhất với mức giá bán thấp nhất. Cụm từ quen thuộc trong các thông báo thường là “giá bán lẻ từ…”.

Chính mức giá của phiên bản thấp nhất là một chỉ dẫn hiệu quả để người tiêu dùng tìm đến tham khảo và lựa chọn cho nhu cầu mua xe của mình. Trong quá trình giao dịch, các nhân viên bán hàng sẽ tư vấn cho người tiêu dùng về sở trường, sở đoản của từng phiên bản khác nhau, từng mẫu xe khác nhau. Tất nhiên, những điểm mạnh hay điểm yếu của từng chiếc xe đều được cân đối với mức giá bán để người tiêu dùng có được lựa chọn tối ưu nhất.

Đại diện nhiều hãng xe thừa nhận, đối với những mẫu xe có nhiều phiên bản thì phiên bản thấp nhất thường trở thành lựa chọn của những khách hàng sử dụng xe vào mục đích thương mại. Trong khi đó, đa số người tiêu dùng cá nhân lại lựa chọn những phiên bản cao hơn, được trang bị nhiều công năng hơn, thậm chí là phiên bản cao cấp nhất.

Chẳng hạn với mẫu xe Toyota Innova. Phiên bản Innova E trang bị hộp số sàn hiện được liên doanh ôtô Nhật Bản cung cấp với mức giá 793 triệu đồng, phiên bản Innova G trang bị hộp số tự động có giá 859 triệu đồng và phiên bản cao cấp nhất Innova V số tự động có giá 995 triệu đồng.

Nếu như phiên bản thấp nhất là Innova E hầu hết được các hãng taxi hay doanh nghiệp du lịch lựa chọn thì với phiên bản Innova G, đối tượng khách hàng lại đa số là cá nhân. Lựa chọn này dựa trên sự tối ưu giữa nhu cầu sử dụng với giá bán. Trong khi các doanh nghiệp vận tải chỉ cần xe để vận chuyển hành khách thì giá bán thấp đem lại khả năng tiết kiệm chi phí, còn người tiêu dùng cá nhân lại có nhu cầu giải trí và thư giãn cao hơn nên dù giá xe chênh lệch hơn 60 triệu đồng hoàn toàn không phải là “vấn đề”.

Một ví dụ điển hình nữa về “nghịch lý” giá bán và tiêu dùng là mẫu crossover 5+2 Nissan X-Trail thế hệ mới. Dù có giá bán thấp nhất (933 triệu đồng) song phiên bản X-Trail 2.0L tiêu chuẩn lại có sản lượng bán hàng thấp nhất. Cùng sử dụng động cơ 2.0 lít song phiên bản X-Trail SL với nhiều trang bị công nghệ hơn lại có sản lượng bán hàng lớn hơn nhiều.

Đáng chú ý nhất là phiên bản cao cấp X-Trail SV sử dụng động cơ 2.5 lít. Đây là phiên bản có giá bán cao nhất, chênh đến hơn 100 triệu đồng so với các phiên bản còn lại, song hiện X-Trail 2.5L SV lại là phiên bản bán chạy nhất. Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), trong 4 tháng đầu năm 2017, Nissan X-Trail 2.5L SV đạt sản lượng bán hàng 477 chiếc, gần bằng tổng sản lượng bán hàng của cả 2 phiên bản còn lại (605 chiếc).

Ford Ranger cũng là một điển hình ở “nghịch lý” này. Năm 2012, khi hãng xe Mỹ quyết định đưa Ranger thế hệ mới về Việt Nam, người viết có “thắc mắc” với lãnh đạo Ford khu vực về lý do tại sao không phân phối Wildtrak 3.2L tại thị trường Việt Nam giống như thị trường Thái Lan. Câu trả lời khá rõ ràng: với phiên bản cao cấp này, nếu được nhập khẩu, giá bán cũng sẽ cao và Ford lo lắng về khả năng đón nhận của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, thực tế lại khác hẳn. Cùng với những “tư vấn” của giới truyền thông, trong quá trình phân phối Ranger, hệ thống đại lý của Ford cũng nhận được nhiều thắc mắc của bản thân người tiêu dùng về phiên bản Wildtrak 3.2L. Chính từ những đề xuất này, năm 2014, phiên bản Wildtrak 3.2L bắt đầu được Ford Việt Nam phân phối. Và kể từ đó đến nay, dù Ford Việt Nam không công bố mức sản lượng chi tiết song theo tiết lộ, Wildtrak 3.2L luôn là một trong những phiên bản đắt khách nhất trong tổng số 7 phiên bản của Ranger.

Điều này cho thấy một thực tế, đối với những mẫu xe mà đối tượng khách hàng chủ yếu là cá nhân thì phiên bản cao cấp hơn thường được ưu tiên lựa chọn cho dù giá bán cũng tỷ lệ thuận với những trang bị công nghệ kèm theo.

Ở một thị trường ôtô còn nhiều dư địa phát triển như Việt Nam, chuyện giá cao hơn lại thường bán tốt hơn rõ ràng là một nghịch lý. Chính nghịch lý này đặt các hãng xe nước ngoài vào tình huống trước khi gia nhập thị trường Việt Nam cần nghiên cứu rất kỹ tâm lý người tiêu dùng để tránh đánh giá sai tiềm năng và qua đó, mất công “sửa sai” bằng việc thay đổi kế hoạch sản phẩm và bán hàng.

Mà với ngành ôtô, thay đổi kế hoạch sản phẩm và bán hàng không phải việc có thể hoàn thành trong một sớm một chiều.

Theo Đức Thọ

VnEconomy

Đọc tiếp »