Lưu ý:

Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Để không bị lừa, tốt nhất người mua nhà hãy tự cứu mình

Rủi ro khi mua bán nhà đất xuất hiện muôn hình vạn trạng. Trong khi đó, hệ thống pháp luật vẫn trong quá trình từng bước hoàn thiện. Do đó, cách hạn chế rủi ro hiệu quả nhất vẫn là người mua nhà phải học cách tự bảo vệ mình trước khi cầu cứu cơ quan chức năng.

Nhiều rủi ro mua bán nhà hình thành trong tương lai

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, quy định về bảo lãnh ngân hàng chỉ mới áp dụng trong luật, nhưng việc thực hiện trong thời gian qua chưa hợp lý.

“Nếu việc bảo lãnh thực hiện đúng luật thì không có ngân hàng nào bảo lãnh cho vài dự án, chứ đừng nói là nhiều như nay. Đây là việc cấp tín dụng và ngân hàng hưởng phí. Với dự án vài chục nghìn tỷ thì làm gì ngân hàng đủ bão lãnh”, ông Châu nhấn mạnh.

Để tránh rủi ro khi mua nhà ở hình thành trong tương lai, người mua nhà phải tìm cách tự cứu mình

Theo ông Châu, thời gian vừa qua, có một số doanh nghiệp bất động sản đã đem sổ đỏ của dự án đi thế chấp vay tiền lần thứ nhất và thế chấp những căn hộ đã bán cho khách hàng để vay tiền lần thứ hai. Trong khi đó, pháp luật chỉ cho phép dự án thế chấp một lần.

Đây là hình thức làm ăn không đàng hoàng, lừa dối khách hàng, ảnh hưởng xấu đến thị trường. Hình thức thế chấp dự án này sẽ gây rủi ro rất lớn cho khách hàng, vì nếu dự án không thực hiện được, khách hàng sẽ mất trắng.

“Hiện nay, mặt hạn chế là khách hàng có nhu cầu thực lại có nguy cơ gặp rủi ro, có thể nhận sản phẩm không đúng tiến độ, không đúng chất lượng và cam kết của chủ đầu tư. Nhà đầu cơ thứ cấp có thể mượn vốn ngân hàng để kinh doanh. Chất lượng dịch vụ, công trình cũng chưa kiểm soát”, ông Châu nói.

Luật sư Thái Văn Chung cho rằng mặc dù UBND TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế rủi ro cho người mua nhà, nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều tranh chấp. Phần lớn tranh chấp liên quan đến bất động sản rơi vào điều khoản thanh toán, mà khách hàng là đối tượng chịu nhiều rủi ro.

Người mua luôn là đối tượng chịu thiệt

Luật sư Hà Hải cho biết, những quy định về hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai được quy định tại nhiều bộ luật như Bộ Luật Dân sự năm 2015, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Thương mại năm 2005… Cùng với đó là các quy định về hợp đồng mua bán căn hộ chung cư nằm rải rác trong rất nhiều văn bản dưới luật khác.

Thế nhưng, trên thực tế, tình trạng người mua căn hộ không thể tiếp cận thông tin một cách đầy đủ. Chủ đầu tư các dự án chung cư không giữ chữ tín đã đưa ra. Nhiều hợp đồng mẫu chứa đựng nội dung bất bình đẳng, dễ gây nhầm lẫn và thậm chí vi phạm pháp luật.

“Tình trạng vi phạm hợp đồng, chiếm dụng vốn của người mua, không giao nhà hoặc giao nhà trễ hẹn hoặc giao nhà nhưng không có giấy tờ hợp lệ vẫn thường xuyên xảy ra. Có những trường hợp người mua nhà 10 năm vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu. Khi tranh chấp phát sinh, cơ quan thẩm quyền vẫn còn lúng túng trong quá trình giải quyết, vì thiếu các quy định pháp luật.

Thực trạng trên xuất phát từ việc chưa có hành lang pháp lý an toàn để các bên tham gia giao kết hợp đồng. Các văn bản pháp luật chồng chéo, thiếu sót dẫn đến các chủ thể tham gia ký kết hợp đồng mua bán căn hộ chung cư luôn ở trong tình trạng bất an, bất bình đẳng. Khi không còn sự bình đẳng thì có nhiều thỏa thuận về mặt hình thức thể hiện ý chí chung của các bên, nhưng thực chất không phản ánh được nguyện vọng của các bên”, Luật sư Hà Hải nhận định.

Khách hàng phải tự đánh giá năng lực của chủ đầu tư

Theo ông Nguyễn Đào Duy, Phó Tổng giám đốc LDG Group, bất động sản cũng như những ngành nghề tiêu dùng khác, doanh nghiệp phải có quy chế để làm sao đưa ra quy chuẩn và tự cứu mình dựa vào năng lực thực tế. Họ phải tự công bố chất lượng sản phẩm hình thành trong tương lai, đó là tham chiếu cho khách hàng. Với cam kết đó, khách hàng nhìn vào giá trị sản phẩm thấy được cam kết của chủ đầu tư, giúp họ nhìn nhận được đâu là tiềm năng, đâu là rủi ro trong tương lai.

“Chủ doanh nghiệp phải tự hoạch định sân chơi của mình. Luật thì đã có, nhưng làm sao vào thực tế là điều rất bất cập. Hơn ai hết, những người gắn với quyền lợi khách hàng thì nên kiểm soát. Khách hàng vẫn là người đánh giá trung thực, chính xác nhất”, ông Duy nhận định.

Lãnh đạo LDG Group cho rằng chính khách hàng là người giám sát tốt, chính xác nhất và đánh giá trung thực. Trong tương lai, thông tin về chủ đầu tư và dự án cũng cần áp dụng trong lĩnh vực bất động sản. Qua đó, người dân, doanh nghiệp đều có thể truy cập và nắm bắt thông tin một cách công khai. Hình thức quản lý này cũng góp phần phân loại để khách hàng tự đánh giá về năng lực của chủ đầu tư.

Theo Diệu Thuỷ

Vietnamnet

Đọc tiếp »

Nhựa An Phát (AAA) đạt sản lượng kỷ lục trong tháng 4, chuẩn bị đưa An Phát Yên Bái lên HoSE ngay trong tháng 6/2017

CTCP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (AAA) vừa công bố báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 4/2017 với những con số kỷ lục về sản lượng.

Cụ thể, sản lượng sản xuất túi của An Phát (công ty mẹ) tính riêng trong tháng 4/2017 là 5.918 tấn, tăng mạnh so với mức trung bình 4.000 tấn/tháng. Sản lượng hợp nhất đạt 7.882 tấn, cao hơn mức trung bình của năm 2016 và Quý 1/2017 (tương ứng là 5.388 tấn và 6.521 tấn). Đây là mức sản lượng cao nhất từ khi thành lập của công ty.

Tính chung 4 tháng năm 2017, sản lượng xuất khẩu túi sang thị trường Nhật tăng lên 23% trong cơ cấu sản lượng tiêu thụ (so với mức 20% năm 2016). Dự kiến cuối năm 2017, tỷ trọng thị trường Nhật sẽ vượt 30% và 40% vào cuối năm 2018.

An Phát cho biết, việc sản lượng tăng mạnh là nhờ tiếp tục duy trì hiệu suất cao trên 90% tại 5 nhà máy hiện tại và việc đưa vào sử dụng chính thức 2 nhà máy mới là nhà máy 6A và nhà máy 7 trong quý 1/2017, cũng như nâng công suất của An Phát Yên Bái. Theo lãnh đạo các nhà máy, nhà máy 6A hiện đang vận hành ở hiệu suất 80% trong khi nhà máy 7 đang chạy khoảng 40%.

Hiện tại, An Phát đang tích cực đưa thêm máy móc vào vận hành và tuyển lao động mới. Việc đào tạo cán bộ cũng được thực hiện gấp rút đảm bảo tiến độ của sản xuất theo kế hoạch. Dự kiến đến cuối năm 2017, 2 nhà máy mới sẽ chạy vận hành trên 90% công suất thiết kế, tương tự như các nhà máy hiện tại, khi máy móc và lao động đủ đáp ứng.

Giảm tỷ lệ sở hữu An Phát Yên Bái, ghi nhận 1 phần lợi nhuận trong quý 2/2017

Trong tháng 4/2017, An Phát đã thực hiện giảm sở hữu An Phát Yên Bái xuống 35% nhằm chuẩn bị cho việc niêm yết công ty này trên thị trường chứng khoán HoSE trong Quý 2/2017.

Do nhu cầu mở rộng, An Phát Yên Bái phải tăng vốn từ 86 tỷ lên 136 tỷ. Để hỗ trợ cho tập trung nguồn vốn cho công ty mẹ, An Phát chủ động không tham gia việc tăng vốn mà kêu gọi các đối tác địa phương (nhà cung cấp đầu vào địa phương), và các đối tác thương mại hạt nhựa của An Phát nhằm tăng hiệu quả vận hành của An Phát Yên Bái. Ngoài ra, An Phát cũng sẽ ghi nhận 1 phần lợi nhuận từ việc giảm sở hữu tại An Phát Yên Bái trong Quý 2/2017.

Về nhiệm vụ tháng 5-6/2017, An Phát cho biết sẽ tiếp tục bám sát kế hoạch kinh doanh hợp nhất 24 nghìn tấn (sản lượng công ty mẹ 18 nghìn tấn). Ngoài ra, An Phát cũng sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả nhà máy mới, đẩy mạnh hoạt động marketing tiêu thụ sản phẩm, tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu suất lao động của lao động mới, hoàn thành niêm yết cổ phiếu của An Phát Yên Bái trên sàn HoSE trong tháng 6/2017.

A.D

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Warren Buffett: Thà thuê 1 người thợ sửa ống nước còn hơn là phí tiền cho các quỹ

Tỷ phú Warren Buffett vẫn không ngừng chỉ trích việc các nhà quản lý quỹ đầu cơ đang phung phí tiền bạc của khách hàng.

Tại đại hội cổ đông thường niên của Berkshire Hathaway năm nay, ông một lần nữa nhấn mạnh rằng nhìn chung thì các chuyên viên tư vấn đầu tư chẳng xứng đáng để có thể thu về mức phí cao chót vót. Buffett tiếp tục khẳng định hãy dồn tiền vào các quỹ đầu tư chỉ số có chi phí thấp, cũng như chỉ trích mức thu nhập hậu hĩnh mà các nhà quản lý quỹ đầu cơ nhận được.

“Nếu bạn tới chỗ nha sĩ, hay thậm chí là thuê 1 người thợ sửa ống nước – nhìn chung là những người chuyên nghiệp, bạn trả tiền để được hưởng những giá trị mà họ mang đến cho bạn, những giá trị sẽ không có được nếu bạn tự làm hoặc chọn ngẫu nhiên một ai đó. Nhưng trong thế giới đầu tư thì điều này không còn đúng nữa. Không chắc những quỹ đầu tư chủ động – hay những người chuyên nghiệp – có thể làm tốt hơn so với những người chỉ ngồi im 1 chỗ”.

Phó Chủ tịch Charles Munger thì cho rằng sự việc trở nên tồi tệ hơn khi một số nhà quản lý quỹ đầu cơ kiếm bộn tiền từ khách hàng (sau khi thu phí quản lý 2% mỗi năm và lấy 20% tổng số lợi nhuận) nhưng sau đó đánh mất tất cả. “Thế giới đầu tư chỉ là một “bãi lầy” chứa đầy những động cơ sai trái, các bản báo cáo điên rồ và khá nhiều ảo tưởng”, ông nói.

Buffett chỉ trích thậm tệ mô hình 2-20 của các quỹ đầu cơ: “Thử tưởng tượng khách hàng đầu tư 1 tỷ USD, thì mức phí 2% mỗi năm cũng biến thành con số 20 triệu USD”. “Trong bất cứ ngành nào, điều này sẽ là 1 cú sốc”.

Để so sánh, 2 người chuyên chọn cổ phiếu cho Berkshire là Ted Weschler và Todd Combs đang quản lý tổng cộng khoảng 20 tỷ USD. Họ được trả lương 1 triệu USD mỗi năm, cộng thêm tiền thưởng nếu họ đánh bại được chỉ số S&P 500.

“Họ thực sự phải làm điều gì đó. Nhưng trong 40 năm qua, liệu có bao nhiêu nhà quản lý quỹ đầu cơ nói với khách hàng là tôi sẽ chỉ nhận thù lao nếu giúp bạn đầu tư có lãi hoặc đem lại điều gì đó mà bạn không thể tự mình làm được? Tất nhiên điều đó chẳng bao giờ xảy ra”, Buffett nói.

Từ đầu năm đến hết tháng 4, trung bình các quỹ đầu cơ chỉ đem về lợi suất 2%, trong khi chỉ số S&P 500 đã tăng trưởng 6,5%.

Theo Buffett, ngành quản lý quỹ trị giá 3.000 tỷ USD là “một trò chơi lớn” mà ở đó người ta có thể “kiếm được số tiền khổng lồ, dù so với ngành dược hay bất cứ ngành nào khác”. “Thứ mà họ bán cho khách hàng chỉ là ý nghĩ rằng phép màu sẽ xảy ra, nhờ họ”. Mặc dù vẫn có một số nhà quản lý quỹ có thể đánh bại thị trường, hầu hết không thể làm như vậy.

Buffett thường xuyên chỉ trích các quỹ đầu cơ, trong cả lá thư gửi các cổ đông cũng như tại đại hội cổ đông Berkshire hàng năm.

Theo Thu Hương

Trí thức trẻ/Bloomberg

Đọc tiếp »

“Đại gia” chăn nuôi cũng gặp khó vì giá lợn sụt giảm

2017 được nhận định là một năm đầy khó khăn, thách thức với các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi...

Giá thịt lợn hơi liên tục rớt từ quý 4/2016 đến nay không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ chăn nuôi mà còn đe doạ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã DBC) cho hay, năm 2016, giá thịt lợn tăng cao trong một thời gian dài đã mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi. Sản lượng thịt tiêu thụ năm 2016 của công ty đạt trên 18,5 nghìn tấn, đạt 86,3% so với kế hoạch.

Tuy nhiên, đây chính là yếu tố kích thích việc tăng đàn không kiểm soát. Trong 2 năm qua (2015-2016), ngành chăn nuôi lợn phát triển thiếu định hướng và quá nóng dẫn đến tăng đàn quá mức, cung vượt cầu, cùng với việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu qua đường tiểu ngạch khiến từ quý 4/2016, giá thịt lợn lao dốc không phanh, đẩy công ty vào hệ luỵ khó tiêu thụ sản phẩm.

Mặc dù kết quả kinh doanh cả năm 2016 vẫn tăng mạnh, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 451 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2015 (lợi nhuận 2015 là 252 tỷ đồng), tuy nhiên, dự báo thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn, năm 2017, công ty này đặt kế hoạch giảm lãi.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế dự kiến năm 2017 của Dabaco còn 317 tỷ đồng, giảm gần 30% so với năm 2016. Trong đó, lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh chính dự kiến đạt 260 tỷ đồng.

Đúng như kế hoạch “khiêm tốn” đề ra, ngay những tháng đầu năm, khó khăn về việc tiêu thụ lợn đã thể hiện ngay ở báo cáo kết quả kinh doanh quý 1.

Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.475 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái), tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế công ty giảm chỉ còn 13 tỷ đồng. Trước đó, lợi nhuận cùng kỳ năm 2016 công ty đạt 67 tỷ đồng.

Để “cứu vãn” kết quả kinh doanh, lãnh đạo Dabaco đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo cho người chăn nuôi và doanh nghiệp về nhu cầu thị trường; ngừng nhập khẩu thịt, dành thị phần cho thị trường nội địa. Trước mắt, giảm số lượng đàn nái, tăng chất lượng.

Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Ban lãnh đạo công ty này thừa nhận, những tháng cuối năm, nhất là từ tháng 11-12/2016 và kéo dài sang năm 2017, việc xuất bán lợn thịt sang thị trường Trung Quốc bị chững lại, cả giá bán và sức tiêu thụ đều giảm mạnh, dẫn đến thị trường lợn giống khó khăn, giá bán thấp, ứ đọng sản phẩm. Áp lực về chuồng trại, nhân công, nguy cơ dịch bệnh tăng.

“Bên cạnh đó, giá bán sản phẩm cũng giảm rất mạnh so với mức bình quân năm 2016. Giá bán sản phẩm lợn bình quân quý 1/2017 thấp hơn so với giá thành. Dự kiến hoạt động sản xuất chăn nuôi lợn sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới”, lãnh đạo công ty nhận định.

Giá thịt lợn hơi giảm từ đầu năm đến nay, có lúc xuống đến 20.000 đồng/kg đã đẩy người chăn nuôi, doanh nghiệp vào khó khăn, thua lỗ triền miên.

Trước tình trạng này, mới đây, Bộ Nông nghiệp đã lên tiếng kêu gọi các Bộ, ngành cùng doanh nghiệp, người dân ra tay “giải cứu” thịt lợn.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có công văn số gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu căn cứ vào khả năng tài chính để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thuốc thú y.

Bộ Tài chính cũng đã gửi công văn tới sở tài chính và các doanh nghiệp thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi về việc tăng cường biện pháp để bình ổn thị trường thịt lợn.

Tuy nhiên, trái ngược với tỉnh cảnh khó khăn của Dabaco và Vilico, nhờ lợn hơi rớt giá, Công ty Cổ phần Kỹ nghệ súc sản - Vissan (Mã VSN) - một công ty chế biến - đã lãi đậm trong quý 1/2017, đạt 48 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo Kiều Linh

Vneconomy

Đọc tiếp »

Hà Nội: Nhiều sai phạm tại dự án Golden West ở số 2 Lê Văn Thiêm

Chung cư Golden West ở số 2 Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) do Công ty Cổ phần phát triển thương mại Việt Nam (Vietradico) làm chủ đầu tư đã bàn giao nhà cho khách hàng từ 9/2016. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều hạng mục thuộc dự án vẫn chưa hoàn thiện.

Theo phản ánh của các cư dân, căn cứ hợp đồng mua bán, thời hạn bàn giao nhà cho khách hàng quý 4/2015, thời gian bàn giao thực tế chậm nhất không quá 180 ngày so với thời gian bàn giao dự kiến, tức không quá ngày 30/6/2016. Tuy nhiên, đến tháng 9/2016, Vietradico đã gửi thông báo bàn giao nhà của Vietradico dù tòa nhà chưa hoàn thiện.

“Do bức xúc về chỗ ở, nên dù tòa nhà chưa hoàn thiện, chúng tôi vẫn buộc lòng phải chuyển về đây sinh sống với hy vọng Vietradico sẽ gấp rút hoàn thiện tòa nhà đúng cam kết. Nhưng đến nay đã hơn nửa năm, hơn 400 hộ dân sinh sống tại đây luôn phải sống chung với công trường với nỗi lo lắng mất an toàn khi hàng ngày việc thi công trong tòa nhà, tầng hầm vẫn tiếp diễn”, đại diện cư dân bức xúc nói.

Đặc biệt, cư dân còn bức xúc khi đã có hơn 400 hộ dân trên tổng số hơn 600 căn hộ của dự án về ở hơn nửa năm nay nhưng hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) chưa được nghiệm thu bàn giao vận hành theo đúng quy định pháp luật. Trong đó, những giấy tờ như: Văn bản xác nhận nghiệm thu về PCCC của Cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy; Văn bản chấp thuận công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (quy định tại Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình)... đều chưa có.

“Nếu không may có một đám cháy xuất hiện tại chung cư Golden West , mà hệ thống PCCC chưa nghiệm thu thì hậu quả sẽ như thế nào? Tính mạng của cư dân chúng tôi sẽ ra sao trước sự thờ ơ, vô trách nhiệm của chủ đầu tư?”, cư dân lo lắng đặt câu hỏi.

Mặt khác, cư dân còn bức xúc hơn khi chủ đầu tư Vietradico đứng trước dấu hiệu sai phạm về tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng về hạng mục hành lang, ô thoáng.

Cụ thể, theo các cư dân thì thiết kế được duyệt vào năm 2014, dự án Golden West được thiết kế có 58 ô thoáng nằm rải rác ở các tầng tòa nhà. Nhưng tới nay, Vietradico đã cố tình đổ kín sàn bê tông ô thoáng các tầng với mục đích biến ô thoáng thành căn hộ để bán.

Sai phạm này của Vietradico từng được nêu rõ trong Công văn 4054/SXD-TTr ngày 23/5/2016 của Sở Xây dựng Hà Nội. Dự án bị đình chỉ thi công, xử phạt 90 triệu đồng vì vi phạm sai thiết kế công trình. Sau đó, Vietradico ra Công văn 0608/2016 /CV-CT ngày 8/6/2016 cam kết giữ toàn bộ các ô thoáng làm tiện ích sinh hoạt chung của tòa nhà.

Theo quan sát của PV, các ô thoáng chưa được sử dụng, có ô thì đang được vận chuyển gạch vào để xây dựng, có ô thoáng làm cửa khóa chặt, có ô thoáng dùng gỗ ép làm tường ngăn tạm ở lối hành lang, đa số các ô thoáng này phía ban công bỏ trống chưa làm lan can tiềm ẩn nguy hiểm.

Ngoài ra, cư dân còn “tố” Vietradico hiện đã cho thuê mặt bằng hầm B1 làm rạp chiếu phim và sắp tới họ còn có ý định cho thuê mặt bằng hầm B1 để mở gara sửa chữa ô tô…

Trước những bức xúc này, cư dân đã bầu ra ban đại diện và đã nhiều lần gửi đơn đề nghị chủ đầu tư trả lời, muốn được đối thoại với cư dân nhưng chủ đầu tư vẫn “im lặng”.

Được biết dự án “Xây dựng Cụm nhà ở hỗn hợp chung cư kết hợp văn phòng và siêu thị” (hay còn gọi dự án Golden West) được xây dựng tại ô đất 2.5HH đường Lê Văn Thiêm (số 2 Lê Văn Thiêm), quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Dự án này tiền thân là của Tổng Công ty Cơ khí xây dựng COMA sau đó đến ngày 20/01/2015, COMA và Công ty CP Phát triển Thương mại Việt Nam (Vietradico) mới ký kết Hợp đồng số 000073.2015 /HĐCN về việc chuyển nhượng toàn bộ Dự án “Cụm nhà ở hỗn hợp chung cư kết hợp văn phòng và siêu thị” (Golden West) tại ô đất 2.5 HH đường Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. Từ đây, Vietradico là Chủ đầu tư mới của dự án vàng này.

Theo Khánh An

VnMedia

Đọc tiếp »

Đất nền “sốt” giá: Cần cẩn trọng!

Thời gian gần đây, đất nền tại TP Hồ Chí Minh liên tục tăng giá. So với những lần trước, tình trạng tăng giá chỉ diễn ra ở từng khu vực thì lần này giá đất tăng trên diện rộng ở tất cả các khu Đông, Tây, Nam của thành phố. Theo các chuyên gia kinh tế, trong tâm lý “hưng phấn” với giá đất tăng, nhà đầu tư cần cẩn trọng để tránh rủi ro nếu giá đất hạ nhiệt.

Tăng giá chóng mặt

Ở phía Tây thành phố, trước Tết, chị Nguyễn Thúy Liễu mua lô đất 72m2 ở phường Thạnh Xuân (quận 12) có giá 1 tỷ đồng (tương đương 14 triệu đồng/m2). Chỉ sau Tết, giá lô đất đã tăng lên gần 1,5 tỷ đồng. Hiện nhiều tuyến đường khu vực này rao bán đất thổ cư giá 18-20 triệu đồng/m2. Giá đất ở Bình Chánh cũng tăng mạnh do thông tin huyện này lên quận. Đất nông nghiệp tại xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B trước Tết có giá khoảng 1 triệu đồng/m2, thì nay rao bán trên dưới 2 triệu đồng/m2, tăng gấp đôi. Đất ở khu vực Củ Chi xa xôi cũng tăng mạnh do thông tin Tập đoàn Tuần Châu sắp đầu tư “siêu dự án” tại đây. Tình hình càng “nóng” lên bởi đội quân “cò đất” đổ về đây, liên tục chào mời và giới thiệu các thông tin hạ tầng hấp dẫn khiến người mua càng sốt ruột.

Ở phía Đông thành phố, khảo sát tại khu vực quận 9, đất nền ven đường Đỗ Xuân Hợp, Lã Xuân Oai, Trường Lưu… giá tăng suốt năm 2016. Anh Minh, một nhà đầu tư đất cho biết, cách đây 1 năm giá đất khu vực này khoảng 12-15 triệu đồng/m2, thì nay đã tăng lên 20 triệu đồng/m2. Theo anh Minh, giá đất nền đặc biệt tăng mạnh từ đầu năm đến nay, “lan” tận đến đường Nguyễn Xiển do “ăn theo” dự án VinCity của Tập đoàn Vingroup. Theo các chủ dự án, chuyện “sốt” đất nền là có thật. Ông Lê Tiến Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Cát Tường Đức Hòa cho biết, dự án Cát Tường Phú Sinh vừa mở bán đợt 7 với hơn 1.300 nền đất cũng hết ngay trong ngày.

Trong kiến nghị ngày 7-4 gửi Thủ tướng Chính phủ về “Tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững”, Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoReA) đã nêu hiện trạng là “có hiện tượng sốt giá ảo trong phân khúc đất nền ở các quận ven và một số huyện như: Quận 9, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi...”.

Người mua cần cẩn trọng

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, đang có làn sóng của các nhà đầu tư vào đất nền. Có nhiều lý do, thứ nhất do yếu tố tâm lý thích sở hữu đất nền của người dân. Bên cạnh đó, các thông tin về hạ tầng, “siêu dự án”… cũng tạo hiệu ứng khiến giá đất tăng. Mặt khác nhà đầu tư thấy rằng, lợi nhuận từ đất nền cao hơn so với lợi nhuận đầu tư sản phẩm căn hộ, điều này cũng tạo ra động lực để sóng giá đất tăng mạnh và lan rộng hơn. Theo ông Hiển, nhiều người mua cho rằng, đầu tư đất nền mới là đúng vì giá đang tăng. Tuy nhiên, mua đất nền đa số là đầu cơ nên cần chú ý có thể chững lại khi nhà đầu tư thấy khả năng khai thác khó, khi đó đất nền sẽ nhanh chóng hạ nhiệt.

Ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch Công ty Địa ốc Xanh cho rằng, càng rủi ro thì lợi nhuận càng cao, nên khi giá đất nền tăng dù biết có rủi ro nhưng vẫn hấp dẫn nhà đầu tư. Thời gian qua, hạ tầng TP Hồ Chí Minh đang hoàn thiện khiến giá đất tăng theo. Tuy nhiên, chuyện giá đất ăn theo hạ tầng gây ra hiện tượng sốt ảo nên nhà đầu tư cần cẩn thận.

Các chuyên gia khác cũng cho rằng, người mua cần cẩn trọng đối với việc tranh mua tranh bán và phải kiểm chứng kỹ thông tin để tránh rủi ro. Chẳng hạn, “siêu dự án” chỉ mới là đề xuất, thông tin Bình Chánh lên quận mới chỉ là định hướng…

Theo ông Lê Tiến Vũ, trong thời điểm giá đất đang “sốt”, người mua cần cẩn trọng, tránh hùa theo tâm lý đám đông. Theo đó, khi mua đất nền cần chú ý về tính pháp lý của dự án, xem dự án đã được phê duyệt 1/500 và chủ dự án đã có sổ, đã đóng tiền sử dụng đất chưa. Thứ hai là cam kết của chủ đầu tư về hạ tầng (đường, điện, nước…) và thực tế chủ đầu tư đang triển khai… tất cả phải được thể hiện rõ trên hợp đồng chứ không chỉ “lời hứa”. Mặt khác, kiểm tra chủ đầu tư có là nhà đầu tư uy tín trên thị trường không, và quan trọng nhất, người mua cần phải tự mình kiểm chứng thông tin, không quá tin lời “cò” để tránh rủi ro.

Theo Đặng Loan

Hà Nội Mới

Đọc tiếp »

Doanh nghiệp nhỏ và vừa gian nan tìm kênh phân phối

Không ít doanh nghiệp Việt nhờ xây dựng thương hiệu thành công mà sản phẩm đã được người tiêu dùng biết đến, thậm chí đã xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, để được vậy, họ cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, đặc biệt là từ các kênh phân phối.

Chia sẻ về thực trạng kinh doanh tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay, TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu, đặc biệt khi sức tiêu thụ của thị trường giảm sút, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chủ động thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng do chưa được người tiêu dùng biết tới, chưa có vốn đầu tư sản xuất, quảng bá thương hiệu, chưa mở rộng được kênh phân phối...

Hành trình nhiều chông gai

Chẳng hạn, Trà Hùng Thái đã gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Ông Đỗ Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Hùng Thái cho biết: "Những ngày đầu thành lập doanh nghiệp, chúng tôi không biết quảng bá, xây dựng thương hiệu như thế nào, các tiêu chuẩn bao bì sản phẩm ra sao cho phù hợp. Đã vậy, hàng làm ra còn bị nhái nên gặp không ít khó khăn. Muốn tồn tại, không gì khác hơn là phải làm phong phú sản phẩm và "gõ cửa" các siêu thị".

Trong khi đó, Long Triều là cơ sở sản xuất nhỏ nhưng với sản lượng tiêu thụ ở mức 10 - 11 tấn cà phê rang xay mỗi tháng là ao ước của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Không chỉ hiện diện ở các quán cà phê, sản phẩm của Long Triều bắt đầu có mặt ở kênh phân phối siêu thị.

Để có được vị thế này, Long Triều đã rất vất vả trong việc xây dựng thương hiệu. Ông Nguyễn Xuân Tồn - Chủ cơ sở cà phê Long Triều cho biết, nhà có quán cà phê, để có nguồn hàng ổn định về chất lượng, ông đã tự sản xuất cà phê rang xay làm sẵn. Nhiều người uống cà phê ông làm thấy ngon nên đặt hàng, dần dần gia đình ông trở thành cơ sở sản xuất cà phê rang xay bỏ mối cho khách.

Thế nhưng, "trong một thời gian dài khách mua hàng chỉ biết tên tôi chứ không hề biết tên sản phẩm mà tôi đang bán. Từ đó tôi bắt đầu nghĩ sản phẩm của mình phải có thương hiệu để khách hàng nhận diện chứ chỉ bán dựa vào việc quen mặt thì khó mà phát triển. Và vì không biết cách làm thương hiệu nên tôi lấy tên 2 người con là Long, Triều đặt tên cho sản phẩm và xin tranh vẽ của người bạn làm logo", ông Tồn chia sẻ về cách làm thương hiệu của mình.

Sau khi đã tạo thương hiệu và logo, ông Tồn bắt đầu phát triển sản phẩm và mang hàng đi bán ở kênh phân phối. Do đã có mối quen từ trước nên việc đưa hàng vào kênh truyền thống khá thuận lợi. Tuy nhiên, ở kênh hiện đại, Long Triều gặp khó khăn vì thương hiệu chưa được nhiều người biết đến. Hiện tại, sau thời gian dài loay hoay với việc đưa hàng vào siêu thị, Long Triều mới thâm nhập được vào hệ thống Big C thông qua chương trình "Đồng hành cùng thương hiệu Việt" của Big C.

Theo ông Nguyễn Xuân Tồn, doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn xây dựng được thương hiệu phải có sự đồng hành giúp đỡ của các hệ thống phân phối, nhà quản lý... Có như vậy, doanh nghiệp mới đứng vững trên thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Nhờ có sự hỗ trợ về vốn, sản xuất, tiếp thị... của Big C mà Long Triều mạnh dạn phát triển sản phẩm và xây dựng được thương hiệu. Khởi nghiệp với cơ sở sản xuất chỉ 30m2, đến nay, Long Triểu đã phát triển lên đến 4.000m2, và dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp đã nhận được chứng nhận quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 2000.

Tự thân và ngoại lực

Ở góc độ nhà tư vấn, bà Nguyễn Phi Vân - thành viên sáng lập và phát triển Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á cho rằng, muốn tồn tại và cạnh tranh trong thế giới phẳng, các doanh nghiệp cần phải mở rộng tầm nhìn đến tầm quốc tế để có thể lớn mạnh ngay cả trên sân nhà.

"Phải có tư duy lớn, từ đó huy động nguồn lực, xây dựng thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới. Thay đổi tư duy là đã đi được 50% đoạn đường", bà Nguyễn Phi Vân nói.

Và thực tế đã có những doanh nghiệp làm được điều bà Phi Vân nói. Bà Vũ Thị Thùy Linh - Phó tổng giám đốc Công ty CP Tân Cương Hòa Bình cho biết: "Muốn tồn tại và phát triển, doanh nghiệp phải nghiên cứu để đa dạng sản phẩm, phục vụ mọi nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh các loại trà bình dân, Công ty sản xuất sản phẩm cao cấp và đến nay đã đưa ra thị trường 50 loại trà khác nhau. Và cũng nhờ đó chúng tôi đã xuất khẩu sản phẩm sang các nước châu Âu".

Từ những thực tế trên, có thể nói, ngoài nỗ lực tự thân, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng rất cần đến sự hỗ trợ từ kênh phân phối. Ông Philippe Broianigo - TGĐ Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam.

Từ tháng 10/2016, Big C Việt Nam phát động chương trình "Đồng hành cùng thương hiệu Việt" nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mở rộng thị trường thông qua kênh bán lẻ hiện đại, góp phần làm nên thương hiệu Việt...

Thời gian qua, nhiều hệ thống phân phối trong nước cũng đã có những hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp sản xuất, như Co-opmart không tăng chiết khấu trong khi các siêu thị ngoại tăng chiết khấu. Vingroup áp dụng chính sách chiết khấu thương mại ưu đãi mạnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tiêu thụ hàng qua hệ thống bán lẻ Vinmart của tập đoàn.

Theo HỒNG NGA

Doanh nhân Sài Gòn

Đọc tiếp »