Lưu ý:

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Ông Nguyễn Đức Tài: Cứ làm tốt đi rồi tự khắc có người mang tiền tìm đến bạn

Tổng giám đốc TGDĐ chia sẻ, đừng ngại vì thiếu tiền mà không dám khởi nghiệp. Điều quan trọng vẫn là sản phẩm. Sản phẩm mình tạo ra tốt thì tự khắc sẽ có nhà đầu tư tìm đến.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thế giới Di động, về quản lý chuỗi tại sự kiện Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Việt Nam 2016 (Vietnam Young Leaders Forum 2016) ở TP HCM ngày 2/12.

Trong cuộc đối thoại giữa bà Trương Lý Hoàng Phi - người điều phối chương trình và ông Nguyễn Đức Tài, lãnh đạo Thế giới Di động, nhiều câu hỏi về chuỗi bán lẻ mà người điều phối và các bạn sinh viên, startup, doanh nghiệp đặt ra và làm nóng khán phòng.

- Đâu là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng chuỗi cửa hàng bán lẻ?

- Hai yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ là có vũ khí và có chiến sỹ cầm súng lên bắn. Chuỗi phân tán nên nếu bạn không có hệ thống quản lý, quản trị, giám sát tốt thì sẽ rất khó. Thế nên phải có công cụ ngon lành, hệ thống giám sát tốt. Thế nhưng, nếu có công cụ mà chiến sỹ không sẵn lòng bóp cò thì lấy đâu ra kết quả. Vậy nên, hai yếu tố đều quan trọng.

Thế giới Di động có cửa hàng TP HCM thì lãnh đạo thỉnh thoảng ngó qua, chứ ở tận Phú Quốc thì làm sao đi được. Phải xây dựng về con người, về hệ thống quản trị tốt. Nếu không thì thành xây dựng lâu đài trên cát, rất rủi ro.

- Phát triển chuỗi phải xây dựng vũ khí và con người, công nghệ. Theo anh, điều đó có xa xỉ đối với doanh nghiệp nhỏ?

Nguồn lực chỉ là cái cớ. Vấn đề là ý thức thôi. Ngày xưa, Thế giới Di động cũng phải đi mua máy cũ, server cũ với giá chỉ bằng 30% máy mới. Việc xây dựng chuỗi không phải một ngày mà là cả quá trình. Ban đầu cũng chỉ là xây dựng nhà kho. Do đó, nguồn lực chỉ là cái cớ thôi vì luôn luôn có nguồn lực phù hợp cho sự phát triển trong từng giai đoạn.

- Anh đã xây dựng các chuỗi Thế giới Di động, Điện Máy Xanh và bây giờ là Bách Hóa Xanh. Đâu là bài học xương máu trong xây dựng chuỗi cửa hàng?

- Đó là vấp váp năm 2011, 2012 khi phát triển nhanh quá tới một mức nào đó thì cần có những thay đổi trong cách thức vận hành doanh nghiệp. Nhưng Thế giới Di động đã không nhìn thấy và vẫn làm với cách làm cũ. Đến một lúc, tích lũy về lượng quá lớn rồi thì phải thay đổi.

- Bài học với cửa hàng Thế giới Di động và Điện Máy Xanh có áp dụng được với Bách Hóa Xanh hay không?

- Tôi thấy đó cùng là chuỗi nhưng sản phẩm khác. Ví dụ, mặt hàng của Thế giới Di động, Điện Máy Xanh thì có thể thì không bốc mùi khi để lâu. Tuy nhiên, các mặt hàng của Bách Hóa Xanh lại khác, để lâu sẽ bốc mùi vì có nhiều mặt hàng tươi sống.

- Quản lý chuỗi khó nhất là quản lý con người. Làm sao để 100 cửa hàng vẫn có dịch vụ tốt như nhau?

- Có hai động cơ để người ta gắn bó với một công ty, vì tiền và vì niềm vui. Niềm vui có thể là sự tôn trọng, đánh giá. TGDD tạo ra 2 giá trị đó: tạo ra thu nhập tốt, không bè phái trong nội bộ... Những yếu tố ấy tạo ra những con người máu lửa. Người nắm rõ tình hình nhất sẽ là người đưa ra quyết định, chứ không phải top lãnh đạo. Vì người đó hiểu rõ tình hình nhất. Tất nhiên Thế giới Di động có những nguyên tắc nhất định.

- Anh có nghĩ kinh doanh chuỗi là sân chơi quá hẹp cho người mới khởi nghiệp, tiền ít, con người ít?

- Có gì đâu đại gia, 5 người góp thành 2 tỷ thì đại gia gì. Bạn cứ làm cho tốt đi rồi những người có tiền sẽ tìm đến bạn. Họ có xu hướng tìm đến và đưa tiền cho bạn.

Thế Trần

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Sẽ có 300.000 căn hộ mang thương hiệu Vingroup với giá chỉ từ 700 triệu đồng

Là dòng bất động sản đại chúng, với mức giá bình quân chỉ từ 700 triệu đồng, VinCity sẽ được đồng loại triển khai tại 7 tỉnh, thành phố lớn gồm: Hà Nội, Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nha Trang....

Ngày 3/12/2016, tại Hà Nội, Tập đoàn Vingroup chính thức công bố ra mắt thương hiệu bất động sản đại chúng VinCity. Sự ra mắt của VinCity đã đưa Vingroup trở thành nhà phát triển bất động sản có hoạt động toàn diện trên thị trường bất động sản, với các thương hiệu Vinhomes - nhà ở cao cấp, VinCity - nhà ở trung bình, Vincom - bất động sản thương mại và Vinpearl - bất động sản nghỉ dưỡng.

Là dòng bất động sản đại chúng, với mức giá bình quân chỉ từ 700 triệu đồng, các dự án VinCity sẽ được quy hoạch theo mô hình khu đô thị khép kín với hạ tầng tiện ích và dịch vụ đồng bộ, gồm: giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa, mua sắm, vui chơi giải trí, cảnh quan…

Trong giai đoạn đầu, VinCity sẽ được đồng loại triển khai tại 7 tỉnh, thành phố lớn gồm: Hà Nội, Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nha Trang. Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các dự án của VinCity sẽ được đầu tư ở các quận huyện ngoại thành, góp phần hình thành các khu Đô thị vệ tinh, giảm tập trung dân số và tránh ùn tắc giao thông cho các khu vực trung tâm của 2 thành phố lớn nhất cả nước.

Theo kế hoạch dự kiến, Vingroup sẽ xây dựng từ 200.000 - 300.000 căn hộ VinCity có mức giá đặc biệt hợp lý trong vòng 5 năm tới, tạo điều kiện cho đông đảo người tiêu dùng tiếp cận và sở hữu cuộc sống chất lượng và tiện ích tại các khu đô thị do Vingroup phát triển.

Với việc chính thức gia nhập phân khúc nhà ở trung bình, Vingroup đã trở thành nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam, hoạt động toàn diện trên tất cả các phân khúc của thị trường: bất động sản cao cấp, bất động sản đại chúng, bất động sản thương mại và bất động sản nghỉ dưỡng.

Nếu Vinhomes cung cấp đến khách hàng tiêu chuẩn sống vượt trội, kết hợp hoàn chỉnh giữa bất động sản nhà ở với hệ thống dịch vụ tiêu chuẩn cao thì VinCity hướng đến số đông người tiêu dùng với mức phù hợp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng - đồng bộ - tiện ích theo xu hướng của các nước khác trên thế giới.

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup phát biểu:“Với việc đầu tư mạnh mẽ để xây dựng các dự án VinCity, chúng tôi mong muốn góp phần vào sự thay đổi diện mạo đô thị để dần dần Việt Nam sẽ có các thành phố đẹp, hiện đại như các thành phố lớn trên thế giới. Đặc biệt, thông qua VinCity, chúng tôi mong muốn mang đến cho đồng bào những tổ ấm hiện đại, an toàn và phù hợp với thu nhập trung bình của số đông”.

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

"Cửa thoát hiểm" nào cho VietinBank?

Việc phải trả cổ tức bằng tiền mặt giống như người “anh em” là BIDV và Vietcombank chắc chắn khiến cho VietinBank gặp khó trong việc tăng vốn. Liệu nhà băng này có tính toán đến phương án nào khác?

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - CTG ) vừa thông báo ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản thông qua việc trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt. Đây là động thái tưởng chừng bất ngờ nhưng lại được nhiều người dự đoán trước, bởi lẽ trong số 3 ngân hàng thương mại Nhà nước đã cổ phần thì Vietcombank và BIDV đã thực hiện chi trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt xong xuôi, chỉ còn VietinBank là chậm chân hơn.

Theo thông báo phát đi ngày 2/12 của VietinBank, ngân hàng sẽ chốt ý kiến cổ đông về việc chi trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt vào ngày 30/12/2016. Mà chiếu theo thường lệ, hễ cứ xin ý kiến cổ đông thì kiểu gì cũng…được thông qua. Như vậy, thay vì giữ lại lợi nhuận để bổ sung vốn tự có (nếu không trả cổ tức thì vốn tự có vào khoảng 61,3 nghìn tỷ đồng) để tăng thêm năng lực tài chính, VietinBank sẽ phải dành ra vài nghìn tỷ đồng để trả cho cổ đông.

Nâng vốn cấp 1 gần như là không thể trong năm 2016

VietinBank phải trả cổ tức tiền mặt là chuyện “ngoài ý muốn” của ngân hàng. Vì theo nội dung đã được cổ đông thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 thì ngân hàng sẽ không chia cổ tức 2015 mà giữ lại để tăng vốn trong bối cảnh phải thực hiện theo tiêu chuẩn Basel II và tăng năng lực tài chính trước làn sóng hội nhập ồ ạt.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã không đồng ý kế hoạch này mà yêu cầu cả VietinBank và BIDV (ban đầu dự định trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn) phải thanh toán cổ tức bằng tiền mặt. Cơ quan quản lý gọi, BIDV đã trả lời bằng việc đồng ý thanh toán cổ tức trong quý 4 này với khoảng 2.700 tỷ đồng bỏ ra, đến lượt VietinBank cũng phải hành động tương tự trong thời gian còn lại của năm nay và đầu năm 2016.

VietinBank dù chưa thông báo về việc sẽ trả cổ tức bao nhiêu, nhưng nhiều khả năng cũng phải nhìn ngân hàng bạn là Vietcombank (10%) và BIDV (8,5%) để hành động. Năm 2015, riêng ngân hàng VietinBank lãi sau thuế 5.718 tỷ đồng.

Việc phải trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt gây khó cho VietinBank trong bối cảnh nhà băng này đang rất “khát” tăng vốn khi thời gian áp dụng tiêu chuẩn Basel II chẳng còn bao lâu nữa. Theo tính toán của các chuyên gia, áp dụng cả 3 trụ cột của Basel II vào quản trị rủi ro, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt sẽ giảm ít nhất 15 – 20% so với hiện hành (phân loại rủi ro theo Thông tư 36 và 06), thậm chí tới 30% nếu ngân hàng nào không kiểm soát chặt chẽ. Cuối năm 2015, CAR của VietinBank dừng ở mức 10,58% và hiện khoảng 11% trong khi CAR theo yêu cầu của Basel II phải trên 8%.

Kế hoạch giữ lại cổ tức lỡ dở, một trong hai kế hoạch còn lại đã đưa ra đầu năm để nâng vốn cấp 1 đó là nhận sáp nhập xong PGBank để tăng thêm vốn khoảng 3.000 tỷ đồng song kế hoạch này có vẻ như cũng bất thành trong năm nay khi thời gian còn lại của 2016 chỉ còn có 4 tuần và đến thời điểm này ngân hàng cũng chưa có bất kỳ thông tin mới nào liên quan đến thương vụ M&A vốn đã bị trì hoãn nhiều lần.

Còn một hướng các ngân hàng có thể tăng được vốn cấp 1 đó là phát hành thêm riêng lẻ để tăng vốn điều lệ, hay nói cách khác là giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, nhưng với VietinBank thì không áp dụng được do sở hữu Nhà nước hiện đã ở mức tối thiểu cho phép (gần 65%).

Chính vì vậy, kế hoạch nâng vốn cấp 1 của VietinBank chắc chắn là không thể trong năm nay.

Theo chân Vietcombank và ACB phát hành trái phiếu

Cửa này bít lại thì sẽ có cửa khác mở ra. Để tăng được CAR, ngân hàng đã không thể nâng vốn cấp 1 trong ngắn hạn thì hoàn toàn có thể dùng đến phương án 2 qua việc giảm tổng tài sản, giảm cho vay hoặc phát hành trái phiếu kỳ hạn trên 5 năm.

Tuy nhiên, trong số các phương án để nâng vốn cấp 2, chẳng ai dại gì đi chủ động giảm cho vay hay giảm tài sản. Chính vì thế, việc phát hành trái phiếu, dù với chi phí là lãi suất huy động cao, thì ngân hàng vẫn phải thực hiện và đây là "cửa thoát hiểm" cho ngân hàng ngay lúc này. Hơn thế, “room” vốn cấp 2/vốn cấp 1 của VietinBank hiện ở mức 38% (tối đa là 50%) cũng đang ủng hộ điều đó.

Tất nhiên, phát hành trái phiếu không phải là động thái duy nhất để giúp ngân hàng cải thiện CAR. Song song đó VietinBank cũng cần đẩy nhanh lộ trình nhận sáp nhập PGBank để kịp tăng vốn trong năm sau thêm vài nghìn tỷ nữa.

Việc phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 gần đây cũng đã được Vietcombank và ACB – hai thành viên trong số 10 ngân hàng thí điểm áp dụng Basel II - thực hiện song song cùng gọi vốn cấp 1. Trong đó, Vietcombank đang phát hành 2.000 tỷ đồng trái với lại suất đảm bảo luôn cao hơn 1% so với trung bình lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân 12 tháng của Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank. Trước đó, NHNN đã cho phép Vietcombank phát hành trái phiếu bằng nội tệ năm 2016 với tổng mệnh giá là 8.000 tỷ đồng.

Hay như ACB cũng vừa công bố phát hành trái phiếu đợt 2 của năm nay với tổng 1.500 tỷ đồng. Trước đó hồi tháng 7 ngân hàng đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu để tăng vốn cấp 2 với lãi suất bình quân cộng biên độ 2% với lãi suất kỳ đầu tiên 30/06/2016-30/06/2017 là 8,5%/năm.

Trở lại với VietinBank, với các điều kiện hiện tại, chắc chắn ngân hàng này sẽ phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Điều này được củng cố bởi dù chưa có thông báo chính thức, song mới đây ngân hàng đã tiết lộ ý định qua việc lựa chọn công ty con là công ty chứng khoán VietinBankSC là đại lý phát hành, đại lý đăng ký và đại lý thanh toán các loại trái phiếu trung dài hạn của ngân hàng, đồng thời nói rõ các trái phiếu này sẽ phát hành trong tháng 12/2016.

Theo Tùng Lâm

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

Sabeco và Habeco: “Kẻ cười, người khóc”

Sabeco và Habeco - hai trong số bốn “ông lớn” thống lĩnh thị trường bia Việt (Sabeco, Heineken, Habeco, bia Huế), vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm.

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) vừa công bố báo cáo tài chính quí III giữa lúc Sabeco đang gấp rút niêm yết trên sàn chứng khoán trước khi thực hiện thoái vốn.

Trong khi Sabeco cho thấy kết quả kinh doanh khởi sắc với lãi ròng hơn 3.200 tỷ đồng sau 9 tháng. Thì, Habeco trưng ra bức tranh kinh doanh khá ảm đạm, chỉ đạt 960 tỷ đồng, giảm 23,5% so với con số 1.255 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức giảm 295 tỷ đồng.

Cụ thể, tính đến hết tháng 9, Sabeco đạt gần 22.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt gần 3.200 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ.

Riêng trong 3 tháng gần nhất, Sabeco đạt 7.642 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, gấp 3,6 lần so với quý 3 năm trước. Trừ giá vốn, lợi nhuận gộp còn 1.127 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần so với mức 207 tỷ đồng so cùng kỳ.

Không có được niềm vui như Sabeco, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu 2016 của Habeco khá tệ. Cụ thể, doanh thu thuần của Habeco đạt mức 7.613 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2016, giảm 4,92% so với cùng kỳ năm 2015, tương đương mức giảm 394 tỷ đồng.

Lãi trước thuế của Habeco trong 9 tháng đầu năm 2016 đạt mức 960 tỷ đồng, giảm 23,5% so với con số 1.255 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức giảm 295 tỷ đồng.

Tính riêng, quý III, lãi trước thuế của Habeco giảm 7,2%, tương đương 42 tỷ đồng.

Doanh thu giảm, ngoài nguyên nhân do lãi trước thuế giảm còn bởi chi phí bán hàng của Habeco bất ngờ tăng mạnh, từ mức 676 tỷ đồng năm 2015 lên mức 779 tỷ đồng tương đương mức tăng 103 tỷ đồng.

Sabeco và Habeco hiện đang nhận được nhiều quan tâm từ các nhà đầu tư, do sắp lên sàn và đang trong lộ trình thoái vốn nhà nước.

Sabeco tiến hành cổ phần hóa và bán đấu giá cổ phần ra công chúng lần đầu vào ngày 28/1/2008 với giá đấu thành công bình quân đạt 70.003 đồng/cổ phần. Theo chân Sabeco, hai tháng sau, HabecoIPO với giá 50.015 đồng/cổ phần.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, tiến trình niêm yết và bán tiếp phần vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco diễn ra khá chậm chạp.

Theo Hòa Bình

BizLIVE

Đọc tiếp »

Ở nhà vẫn bị lừa 3,4 tỉ đồng

Sau khi bị tác động và đe dọa qua điện thoại, trong các ngày 29 và 30-11, chị H. đã rút hết tiền trong các tài khoản, tổng cộng gần 3,4 tỉ đồng gửi vào các tài khoản “ma” do bọn tội phạm cung cấp.

Gần đây, trên địa bàn TP Vũng Tàu liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, với số tiền bị lừa lên đến hàng tỷ đồng. Trước tình trạng này, Công an TP Vũng Tàu khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác.

Khoảng 7 giờ ngày 30-11, chị M., ngụ tại phường 7, TP Vũng Tàu, đang ở nhà thì nhận được cuộc gọi từ điện thoại bàn. Từ đầu dây bên kia, một giọng nữ thông báo “gia đình chị M. đang nợ cước điện thoại tháng 10-2016 số tiền 8.930.000 đồng và sự việc đã được chuyển sang cơ quan Công an để giải quyết”. Sau đó, chị M. được nối máy để nói chuyện với một phụ nữ khác tên Anh tự xưng là “cán bộ Công an Quảng Ninh”. Người này thông báo, Công an Quảng Ninh đang điều tra đường dây mua bán ma túy do Nguyễn Quang Dũng cầm đầu, đối tượng Dũng khai chị M. có liên quan đến đường dây tội phạm này.

Trong lúc chị M. còn chưa hết bất ngờ thì lại được chuyển máy để gặp “Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh”. Vị “lãnh đạo Viện Kiểm sát” này đe dọa sẽ bắt chị M. nếu chị không tự giác làm theo các yêu cầu của “cơ quan pháp luật”.

Sau khi bị đưa vào “mê hồn trận” của bọn lừa đảo, chị M. liền làm theo yêu cầu của chúng. Ngay trong buổi sáng cùng ngày, chị M. đã đến ngân hàng rút toàn bộ số tiền 450 triệu đồng gửi tiết kiệm để chuyển vào số tài khoản: 37810000051250 mang tên Đinh Triệu Công Tuấn do bọn lừa đảo cung cấp. Trong thời gian chị M. đi rút và chuyển tiền, đối tượng lừa đảo còn yêu cầu chị để điện thoại di động ở chế độ “máy bay” để không thể liên hệ được với người khác và ngược lại. Sau khi chuyển tiền khoảng 30 phút, chị M. điện thoại hỏi người thân mới biết mình đã bị rơi vào bẫy của bọn lừa đảo nên đến Công an TP. Vũng Tàu trình báo.

Nhận được tin báo của chị M., Công an TP. Vũng Tàu đã nhanh chóng làm việc với ngân hàng để ngăn chặn việc rút tiền của bọn lừa đảo. Tuy nhiên, trong tổng số tiền 450 triệu đồng chị M. đã chuyển, bọn chúng đã kịp rút hơn 300 triệu đồng.

Trong khi cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Vũng Tàu đang tiến hành điều tra vụ chị M bị lừa đảo, thì sáng ngày 1-12, đơn vị lại tiếp nhận tin tố giác của chị H., ngụ ở phường 9, TP. Vũng Tàu, về việc bị lừa chiếm đoạt tiền cũng bằng thủ đoạn tương tự. Theo trình bày của chị H., nhóm đối tượng lừa đảo này cũng dùng cách thức giống như trong vụ lừa đảo chị M. Sau khi bị tác động và đe dọa qua điện thoại, trong các ngày 29 và 30-11, chị H. đã rút hết tiền trong các tài khoản, tổng cộng gần 3,4 tỉ đồng gửi vào các tài khoản “ma” do bọn tội phạm cung cấp. Từ thông tin của chị H., Công an TP.Vũng Tàu đã khẩn trương phối hợp các ngân hàng phong tỏa tài khoản, ngăn chặn việc rút tiền của bọn lừa đảo, tuy nhiên số tiền chị H. gửi đi đã bị rút hơn 3 tỉ đồng.

Trước tình hình phức tạp của loại tội phạm lừa đảo qua điện thoại, ngay trong ngày 30-11, Công an TP Vũng Tàu đã ra thông báo về phương thức, thủ đoạn, biện pháp phòng ngừa tội phạm này đến tất cả các ngân hàng trên địa bàn TP.Vũng Tàu, đề nghị các ngân hàng dán trên bảng thông báo của ngân hàng, đồng thời đưa trực tiếp cho khách hàng xem nội dung thông báo trước khi nhân viên ngân hàng thực hiện các giao dịch với khách hàng. Bên cạnh đó, Công an thành phố cũng chỉ đạo Công an các phường, xã, các đội nghiệp vụ tăng cường tuyên truyền đến người dân để nâng cao ý thức cảnh giác, nhằm góp phần đấu tranh, phòng ngừa hiệu quả với tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo qua điện thoại nói riêng.

Theo An Bình

Báo Bà Rịa Vũng Tàu

Đọc tiếp »

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

Từ câu hỏi lương 2.000 USD/tháng đến những giấc mơ bị ném đá của FPT, Viettel

Câu hỏi về mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng của sinh viên Phạm Thị Thanh bị công kích là “hoang đường, không có cơ sở”. Thực tế thì giấc mơ của người nổi tiếng cũng bị "ném đá" tương tự và những khát vọng lớn thường bị dè bỉu bởi những người yếm thế.

Giấc mơ bị “ném đá” và những người yếm thế

Trong một buổi toạ đàm, nữ sinh Phạm Thị Thanh, sinh viên Học viện Kỹ thuật Mật mã đã thẳng thắn hỏi về cách để có được mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng. Câu hỏi khiến Thanh trở thành tâm điểm của dư luận. Bởi lẽ, người ta viện dẫn những điều đang diễn ra, những dữ liệu đã có để chứng minh rằng Thanh đang sai, đang mơ mộng, thiếu thực tế... câu hỏi của Thanh là “hoang đường”.

Thực ra, Thanh chỉ là người bình thường nói lên một giấc mơ nổi tiếng và bị "ném đá" mà thôi. Điều này lan rộng và trở thành một cơn sốt bởi mạng xã hội. Trước đó, nhiều người nổi tiếng nói lên giấc mơ của mình cũng bị "gạch đá" không thương tiếc và Trương Đình Anh.- nguyên Tổng giám đốc FPT là một trường hợp điển hình.

Được bình chọn là một trong mười thanh niên tiêu biểu của Việt Nam năm 1998, nhận bằng khen của Thủ tướng... khi trả lời một tờ báo lớn, chàng thanh niên (lúc đó) Trương Đình Anh không ngần ngại chia sẻ giấc mơ của mình: thành tỷ phú năm 35 tuổi, thành Thủ tướng năm 40 tuổi.

Vào thời điểm đó (và thậm chí có thể cả hiện tại), giấc mơ lớn và được công khai như thế đều khiến cho dư luận dậy sóng và người nói phải gánh chịu những cơn bão chỉ trích là "hoang tưởng và viển vông".

Một cán bộ làm ở Trung ương đoàn, nơi đưa ra giải thưởng 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu lúc bấy giờ chia sẻ, Trương Đình Anh bị ném đá là bởi đã nói ra những thứ chưa ai nói, là một phát ngôn “đi trước thời đại” khiến cho người khác cảm thấy lạ lùng. Còn cá nhân cán bộ này, ông bày tở sự ngưỡng mộ đối với Trương Đình Anh.

Nhiều năm sau, thực tế đã cho thấy, mục tiêu trở thành tỷ phú (thực ra là triệu phú đôla) năm 35 tuổi của ông Trương Đình Anh đã hoàn thành còn giấc mơ Thủ tướng thì... "để dành cho con" - như tâm sự của cựu CEO FPT.

Trở lại câu chuyện của nữ sinh đặt câu hỏi về lương khởi điểm 2.000 USD/tháng, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch SSI đã lên tiếng ủng hộ sinh viên này. Ông chia sẻ: " Tại sao chúng ta lại đi ném đá một bạn sinh viên hỏi học thế nào để đi làm lương 2.000 đôla Mỹ/tháng. Nếu đấy là kế hoạch bước vào đời của bạn ấy hay chỉ là mục tiêu mơ ước thì cũng đều đáng khen ngợi. Là một người bố, tôi sẽ rất tự hào nếu con mình đặt ra những mục tiêu lớn lao hơn bình thường".

Lãnh đạo cấp cao ở một công ty công nghệ lớn của Việt Nam nhận xét: "Những người yếm thế, thiếu tự tin mới đi ném đá giấc mơ của một bạn trẻ. Cuộc sống thiếu giấc mơ thật tẻ nhạt". Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận, việc chỉ trích những người như vậy (yếm thế và thiếu tự tin) cũng sẽ gây ra một làn sóng phản ứng dữ dội bởi tâm lý chung ở Việt Nam là như vậy.

Những giấc mơ vĩ đại bị kìm nén

Khi đã chiến thắng Line, Kakao Talk, Viber... để trở thành OTT số 1 Việt Nam, người được coi là cha đẻ của Zalo cũng mơ ước mình có thể sánh vai với những người khổng lồ công nghệ của thế giới. Thế nhưng, người đàn ông này chưa bao giờ dám phát ngôn về những điều to lớn kiểu như vậy với truyền thông hay bày tỏ trên mạng xã hội. Mọi thứ luôn ở mức an toàn để tránh gặp phản ứng từ cộng đồng giống như Trương Đình Anh - người mà ông này coi như "sư phụ" từng gặp.

Chỉ đến khi bước ra nước ngoài, đạt được thành công ban đầu là 2 triệu người dùng với Zalo ở Myanmar, giấc mơ được tuyên bố cũng chỉ là "học tập Viettel". Những giấc mơ lớn hơn luôn được giấu kỹ để tránh thị phi không cần thiết.

Ngay cả với FPT, công ty vốn có văn hóa "chém gió" đình đám thì kể cả những lãnh đạo kế cận tài năng nhất cũng không còn tuyến bố như kiểu Trương Đình Anh trước đây. Ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Software, người được coi là CEO kế tiếp của tập đoàn này khi nói về mục tiêu 1 tỷ USD của công ty phần mềm vào năm 2020 cũng rất mềm mỏng. "Chúng tôi động viên nhau rằng, nếu năm 2020 không đạt được thì năm 2022 sẽ đạt được điều đó".

Người đứng đầu bộ phận năng động nhất FPT hiện nay cũng khuyên sinh viên là nên trở thành một người làm thuê xuất sắc trước khi khởi nghiệp. Và ông chia sẻ: "Tôi nghĩ có giấc mơ đẹp là tốt nhưng mơ xong rồi cũng phải tỉnh và vẫn phải đi làm". Ông Tiến khôn có giấc mơ lớn? Không phải. Cũng giống như vị lãnh đạo của Công ty VNG, họ muốn nói điều thực tế làm được, giấc mơ giữ cho nội bộ và riêng mình để đỡ gặp phiền phức.

Và ở công ty được nhiều người ngưỡng mộ nhất về làm điều không tưởng khi ra nước ngoài đầu tư - Viettel, tình hình cũng không có gì khác. Trong lần quyết định truyền giấc mơ "trở thành một công ty vĩ đại" tới mọi nhân viên, lãnh đạo công ty này đã cho in những băng rôn treo khắp các chi nhánh. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian cực ngắn, tất cả các khẩu hiệu này đã bị dỡ xuống. Nguyên nhân rất đơn giản chỉ vì một vài phản ứng nói rằng đó là những tuyên bố "huyênh hoang, ngạo mạn"...

Trong khi đó, công ty này từng đoạt được những thành tựu mà trước đây nằm mơ cũng rất ít người Việt Nam nghĩ tới. Ra nước ngoài đầu tư và vươn lên trở thành công ty số 1 về viễn thông ở nhiều quốc gia (Campuchia, Lào, Mozambique, Đông Timor, Burundi...) chỉ sau 6 tháng đến 2 năm, vượt qua nhiều tên tuổi lớn của làng viễn thông thế giới kinh doanh tại đó nhiều năm.

Ban lãnh đạo Viettel có giấc mơ xây dựng một công ty vĩ đại, làm những điều vĩ đại nhưng họ chỉ nói với nhân viên của mình và chia sẻ điều đó với bạn bè chứ chưa thể tuyên bố với công chúng.

Làm thế nào để những công ty lớn, những người thành công không còn ngại ngùng khi nói về giấc mơ (có thể hơi viển vông của mình) và khích lệ những bạn trẻ không ngại giấc mơ lớn là một câu hỏi không dễ có câu trả lời.

Theo Đức Minh

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Nữ sinh muốn lương khởi điểm 2.000 USD: Nếu làm công ty trong nước là không thể!

Nếu như bạn ấy có ý định làm tại các công ty của Việt Nam và chỉ muốn cống hiến khoảng 10 tiếng/ngày cho công việc thì mức lương như trên cho sinh viên mới ra trường là rất khó, gần như không thể.

Vừa qua trong buổi toạ đàm “Vai trò và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong xã hội thông tin” do Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức diễn ra tại Học viện Kỹ thuật Mật mã, nữ sinh Phạm Thị Thanh hỏi rành mạch: "Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng?”.

Câu chuyện của nữ sinh mơ ước về mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng đang khiến dư luận “nóng” lên khi họ nghĩ ước mơ của nữ sinh Phạm Thị Thanh kia là “điên rồ, hoang tưởng”.

Tuy nhiên, chia sẻ về vấn đề này, Đinh Thị Nho – cựu sinh viên tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân với điểm số “khủng”(9,29/10 điểm), hiện đang giữ chức giám đốc phát triển kinh doanh tại Công ty Antoree International ltd của Singapore cho hay: “Thực ra, với một sinh viên vừa mới ra trường hoàn toàn có thể được nhận vào doanh nghiệp với mức lương khởi điểm 2.000 USD. Mình có người bạn trước đó học ĐH Bách Khoa đã từng được một công ty nước ngoài mời về làm việc với mức lương 2.500 USD khi vừa mới ra trường. Nhưng bạn ấy là người thực sự giỏi.

Quay trở lại câu chuyện của nữ sinh tại Học viện Kỹ thuật Mật mã với câu hỏi: “Cần làm gì để khi ra trường có mức lương khởi điểm là 2.000 USD”. Trước khi trả lời thì chúng ta cần hỏi lại xem nữ sinh ấy định làm ở quốc gia nào với thời gian làm việc bao nhiêu tiếng/ngày và quan trọng là bạn ấy sẽ cống hiến được gì cho công ty.

Nếu như bạn ấy có ý định làm tại các công ty của Việt Nam và chỉ muốn cống hiến khoảng 10 tiếng/ngày cho công việc thì mức lương như trên cho sinh viên mới ra trường là rất khó, gần như không thể.

Tuy nhiên, bản thân mình nghĩ nữ sinh này nên nhìn lại năng lực của bản thân mình cũng như một số tiêu chuẩn của thị trường lao động trước khi đặt ra câu hỏi này. Khi bạn biết thị trường lao động đang cần điều gì bạn sẽ có định hướng cho chính mình.

Lời khuyên của mình là: Thời gian ngồi trên ghế giảng đường là thời gian bạn có thể tích lũy cho mình kỹ năng. Vì thế, đừng quá chú tâm vào việc kiếm tiền lúc này mà hãy xin đi làm thêm ở các công ty có liên quan đến công việc sau này của bạn, nó sẽ cho bạn những cọ xát và kinh nghiệm đắt giá.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần đầu tư thời gian cho việc học tiếng Anh. Hiện nay, nền kinh tế của các nước đang hội nhập, việc thông thạo tiếng Anh sẽ cho bạn lợi thế rất lớn nhất là với ngành bảo mật thông tin mà bạn đang theo đuổi.

Trước đó, khi chia sẻ với báo chí, nữ sinh Phạm Thị Thanh - sinh viên Học viện Kỹ thuật Mật mã cho hay: “ Tốt nghiệp và có mức lương khởi điểm 2.000 USD là mục tiêu khi em bước chân vào cánh cửa trường ĐH. Suốt quá trình học, em không cho phép mình được nghỉ ngơi, hưởng thụ mà luôn tranh thủ thời gian tích lũy kiến thức và kinh nghiệm. Việc nghiêm túc đặt câu hỏi cho chính mình và người khác giúp em có định hướng rõ ràng cho con đường bản thân sẽ đi”.

Đó là lý do nữ sinh Học viện Kỹ thuật Mật mã "đòi" mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng khi giao lưu cùng nhà tuyển dụng.

Theo Hoàng Thanh

Infonet

Đọc tiếp »