Lưu ý:

Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Đồng hành cùng doanh nghiệp SME, OCB quyết tâm vào top 10

Năm 2016, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã thành lập Khối Khách hàng Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chuyên hỗ trợ các DN vừa và nhỏ với mục tiêu chiến lược: đưa OCB lọt vào Top 10 Ngân hàng đa năng dẫn đầu về bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Sự phát triển của Khối SME là dấu mốc quan trọng trong hành trình thực thi chiến lược của OCB thời gian qua.

Doanh nghiệp SME nhận nhiều ưu đãi khi giao dịch cùng OCB

Bứt phá thành công

Năm 2016, OCB đã thành lập khối SME với mục tiêu chiến lược: đưa OCB lọt vào Top 10 ngân hàng có chất lượng dịch vụ dành cho SME tốt nhất. Trong đó, chú trọng đến: tăng mạnh cơ sở khách hàng, phát triển nhanh quy mô song song với nâng cao chất lượng dịch vụ và tốc độ xử lý giao dịch, chú trọng hiệu quả thông qua tỷ lệ lãi cận biên (NIM), quản trị rủi ro tốt tuân thủ theo các nguyên tắc của Basel II.

Bên cạnh hàng loạt sản phẩm triển khai thành công dành cho khách hàng SME, riêng trong năm 2016, Khối đã cho ra mắt 2 sản phẩm mới là: Tài trợ cho doanh nghiệp SME đảm bảo 100% bằng bất động sản và Cho vay mua xe ô tô.

Cùng với sự bứt phá thành công chung của OCB trong năm 2016, vươn lên Top 10 ngân hàng có tỷ suất sinh lời cao nhất, tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm 3, Khối đã triển khai thành công 26 Trung tâm SME trên toàn quốc và tăng trưởng mạnh mẽ sau gần 1 năm hoạt động với tổng quy mô đạt hơn 3,000 tỷ, tổng số lượng khách hàng đạt hơn 4.000, không phát sinh nợ xấu.

Sau thành công bước đầu, dự kiến, đến cuối năm 2017, Khối SME sẽ tăng trưởng đến 7,500 tỷ, tốc độ tăng trưởng đạt 350% so với năm 2016; đạt tổng lượng khách hàng khoảng 8.000 và nâng tổng trung tâm SME lên con số 35.

Theo thông tin từ OCB, ngân hàng này cũng đang tuyển dụng và đào tạo hàng loạt nhân sự để hướng tới mô hình phê duyệt tập trung an toàn, nhanh chóng, có đội ngũ riêng biệt chuyên phục vụ cho khách hàng SME.

Chủ động " gỡ khó" cho khách hàng

Khối SME ra đời năm 2016, đúng thời điểm OCB bắt đầu có những bức phá ngoạn mục sau giai đoạn tái cơ cấu để tạo dựng lại nền tảng vững chắc. Đây là cột mốc quan trọng trong hành trình đi đến định vị “là ngân hàng dẫn đầu về bán lẻ và doanh nghiệp SME” của OCB.

Dù mới thành lập nhưng sở dĩ Khối SME đã có những thành công và đặt ra mục tiêu vượt bậc là nhờ kế thừa cả một quá trình dài OCB đồng hành cùng tháo gỡ khó khăn tài chính với doanh nghiệp SME.

Cách đây hơn 15 năm, TP. HCM đã có những Câu lạc bộ doanh nghiệp ra đời nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp. OCB là một trong ba ngân hàng tham gia vào Quỹ khởi nghiệp do TP.HCM khởi xướng và đưa ra cam kết tài chính hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp này.

Từ năm 2012, OCB là một trong hai ngân hàng đầu tiên tham gia chương trình Hỗ trợ Thanh khoản cho Doanh nghiệp SME Việt Nam của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thông qua các ngân hàng trong nước.

Chủ động đến gần doanh nghiệp để hiểu những khó khăn, vướng mắc về tài chính, từ đó, đưa ra những gói giải pháp để giải quyết từng vấn đề cụ thể, bởi vậy, tất cả các sản phẩm của OCB được thiết kế “đo ni đóng giày” để giải quyết trực tiếp khó khăn của từng nhóm ngành hàng chuyên biệt như: gói tích hợp giải pháp tài chính và logistics đầu tiên tại Việt Nam, cho vay kinh doanh gạo; cho vay sản xuất kinh doanh ngành nhựa; cho vay doanh nghiệp xanh và sạch; cho vay Phụ nữ kinh doanh; Tài trợ cho các dự án sử dụng năng lượng hiệu quả...

Hiện nay, OCB đang tích cực đầu tư nguồn lực để hoàn thiện nền tảng công nghệ, con người, hệ thống quản trị và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để hướng đến tối ưu hóa nhu cầu của khách hàng SME.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc OCB, cho biết: “Sự khác biệt của OCB là luôn lấy khách hàng làm trọng tâm và hỗ trợ đi sâu vào các giai đoạn sản xuất và kinh doanh để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp. Hiện tại, khối SME tiếp tục triển khai hàng loạt sản phẩm chuyên biệt để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường như: cho vay không có tài sản bảo đảm, tài trợ chuỗi,… Về dài hạn, từ năm 2018-2020, Khối SME sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới hoạt động với mục tiêu có mặt ở tất cả điểm giao dịch của OCB trên khắp cả nước.”

Sự phát triển của Khối SME là dấu mốc chắc chắn, thể hiện quyết tâm cao độ của OCB trong hành trình tăng tốc và bứt phá để đến gần hơn với khách hàng đồng thời, đạt được những mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra.

A.D

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Kiếm triệu “đô” sau ba tháng bán hàng qua mạng

Với số vốn 200 USD ban đầu, trang web này mang về doanh thu 1 triệu USD sau 3 tháng hoạt động...

Với số vốn 200 USD, doanh nhân 33 tuổi Trevor Chapman, sống tại Mỹ, thành lập trang web LDSman.com, chuyên bán các loại hàng “độc, lạ” từ Trung Quốc như quần jeans Kevlar, kem đánh răng từ than củi, ghế hơi…và thu về 1 triệu USD chỉ sau 3 tháng.

Chỉ trong 3 tháng, từ việc dành 12 tiếng mỗi ngày làm việc tại công ty lắp tấm năng lượng mặt trời, Chapman chỉ dành 1,5 tiếng mỗi tuần chotrang web của mình khi doanh số của trang bắt đầu chạm ngưỡng 1 triệu USD, hãng tin CNBC cho biết.

Kiếm tiền khi đang ngủ

Theo Chapman, kinh doanh qua mạng là cơ hội tuyệt vời cho mọi người để có thể vừa kiếm tiền, vừa có thể tự chủ về thời gian, thậm chí với những người không có kinh nghiệm như anh.

“Hè này, gia đình tôi sẽ dành ba tháng đi du lịch”, Chapman nói và cho biết đây là điều anh luôn muốn thực hiện mà chưa làm được. “Trước đây, tôi luôn phải bù đầu với công việc để kiếm từng đồng”.

Không thỏa mãn với việc điều hành công ty lắp tấm năng lượng mặt trời, Chapman ngộ ra từ câu nói của tỷ phú huyền thoại Warren Buffett: “Nếu bạn không tìm ra cách kiếm tiền khi đang ngủ, bạn sẽ phải làm việc cho tới tận lúc lìa đời”.

Anh nhận ra cách tốt nhất để kiếm tiền “khi đang ngủ” chính là bán hàng qua mạng. Theo báo cáo của Hội Thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ qua mạng toàn cầu năm 2016 tăng 20% lên 2,3 nghìn tỷ USD, từ mức 1,9 nghìn tỷ năm 2015.

Nhưng trước khi bỏ công việc đang làm để chuyển qua bán hàng trên mạng, Chapman đã tìm cách thử xem khả năng thành công của bản thân với việc này như thế nào.

“Dù cơ hội tốt nhưng bạn không nhất thiết phải đánh đổi công việc toàn thời gian của mình để làm điều đó”, doanh nhân 33 tuổi chia sẻ.

Mỗi đêm, anh dành khoảng vài tiếng đồng hồ cho dự án khởi nghiệp của mình với chi phí tối thiểu. Trước tiên là tên miền với mức phí 2,99 USD/năm và lập một tài khoản Shopify với bản dùng thử giá 14 USD. Thứ đắt nhất Chapman phải đầu tư là ngân sách quảng cáo qua Facebook 100 USD/ngày. Trang LDSman.com chính thức hoạt động vào 11/11/2016.

Ban đầu, Chapman đã chọn sai mặt hàng để bán. “Ban đầu, tôi bán sản phẩm nghệ thuật nhưng có vẻ chúng không đủ hấp dẫn để tăng lượng truy cập vào trang web”, anh chia sẻ.

Sau đó, anh thay đổi chiến lược với những sản phẩm “độc và lạ” để kéo khách hàng vào trang. Sản phẩm được chọn là ghế hơi vốn đang nổi như cồn trên các cửa hàng trực tuyến. Từ các nhà cung cấp trên trang Alibaba và Aliexpress của Trung Quốc, Chapman lấy được những chiếc ghế hơi có giá 4,99 USD và bán lại với giá 59,99 USD.

Để tránh chi phí và rủi ro khi trữ hàng, anh thỏa thuận với nhà cung cấp (qua ứng dụng tin nhắn phổ biến WeChat của Trung Quốc) để hàng được chuyển thẳng từ nhà máy tại Trung Quốc tới tay khách hàng tại Mỹ.

Hình thức giao hàng này cũng có nhiều lợi ích khác. Ví dụ như thông qua chương trình ePacket, thỏa thuận giữa Dịch vụ bưu điện Mỹ và các đơn vị của nước ngoài nhằm khuyến khích thương mại điện tử, LDSman thậm chí còn được hưởng phí giao hàng rẻ hơn dù thời gian hơi lâu.

Chi phí vận chuyển một ống kính dùng ngoài cho iPhone từ Thượng Hải là 2,28 USD, rẻ hơn khoảng 5 USD so với gói hàng tương tự vận chuyển trong nội địa Mỹ.

Từ chối lời mời thâu tóm

Sau đó, đơn hàng không ngừng tăng lên. Chỉ trong 2 tuần sau đó, Chapman đã kiếm được 10.000 USD đầu tiên.

Khi doanh thu tăng lên, Chapman thuê một nhóm người làm nghề tự do tại Phillipines để đảm trách việc chăm sóc khách hàng. Anh trả cho mỗi người 700 USD/tháng (thấp hơn nhiều so với mức trung bình ở Mỹ và cao hơn nhiều so với thu nhập trung bình Philippines). Chapman cũng bắt đầu rót ngân sách vào quảng cáo để thúc đẩy doanh thu.

Tuy nhiên, gần hai tháng sau, nhà cung cấp Trung Quốc đánh tráo ghế hơi Chapman đặt bằng loại rẻ tiền chất lượng kém. Khi khách hàng bắt đầu phàn nàn, LDSman đã lập tức thay thế khoảng 1.500 cái. Đây là bài học xương máu của Chapman trong việc đánh giá và thỏa thuận với nhà cung cấp. Dù vậy, hiện tỷ suất lợi nhuận trước thuế của LDSman là gần 48%.

Sẵn máu kinh doanh, Chapman bắt đầu những cơ hội khác. Anh mua lại một nhà kho rộng hơn 800m2 tại thành phố Salt Lake và thuê 5 nhân viên toàn thời gian, giúp đưa việc kinh doanh của LDSman lên tầm cao mới.

Chapman bỏ việc tại công ty tấm năng lượng mặt trời và dành khoảng một giờ mỗi tuần để làm việc tại nhà này, cùng nhân viên ở đây cập nhật các quảng cáo trên Facebook.

Chỉ sau 92 ngày, LDSman đạt được doanh thu 1 triệu USD và nhận được quan tâm của quỹ đầu tư mạo hiểm Clarke Capital. Tuy nhiên, Chapman đã từ chối lời mời bán công ty với giá 3 triệu USD bởi anh muốn duy trì sự động lập và có thêm thời gian, thu nhập để theo đuổi các dự án của riêng mình.

Chapman cho biết mới đây LDSman đã chạm mức 2 triệu doanh thu sau 6 tháng hoạt động. Hiện doanh thu mỗi tháng của công ty này là 350.000 USD. Anh cũng tham gia dạy các khóa học về thương mại điện tử trực tuyến.

Với kinh nghiệm buôn bán hàng Trung Quốc, Chapman cùng với em rể thành lập một công ty vận tải, tận dụng không gian miễn phí trên các chuyến bay chuyển tiếp, đa số của hãng hàng không Delta Airlines, để chuyển hàng từ châu Á sang Mỹ với giá rẻ hơn. Trong năm đầu tiên, công ty này đã thu về 10 triệu USD.

Theo Kim Tuyến

Vneconomy

Đọc tiếp »

Hành trình từ nhà báo đến bà chủ triệu đô nhờ ứng dụng "Uber for beauty" dành cho phái đẹp của bà mẹ 2 con

Bà Fiona McIntosh, 50 tuổi, sống tại London, đã sáng lập ra một công ty dịch vụ làm đẹp nhanh cùng ứng dụng "Uber for beauty". Ý tưởng kinh doanh của bà được rất nhiều người quan tâm, điển hình là nhiều nhà đầu tư nổi tiếng: ASOS, Net-a-Porter và những ngôi sao hàng đầu như Nicole Scherzinger và Suki Waterhouse.

Fiona McIntosh sinh ra tại Melbourne và hiện sống ở London, từng là chủ biên của tạp chí ELLE trước khi trở thành tổng biên tập của Grazia và phổ biến cuốn tạp chí này ra toàn thế giới. Từ một nhà báo còn non nớt, bà được một số tạp chí bình chọn là một trong những người thành công nhất thế giới với khối tài sản trị giá lên đến hơn 10 triệu bảng.

Hành trình đi đến thành công

Công việc đầu tiên của bà Fiona khi còn theo học Cử nhân Văn học trong trường Báo chí là một biên tập viên cho một tờ báo tại Melbourne, chuyên viết báo cáo về các vụ án và đám cháy. Bà chuyển đến London vào đầu những năm 90 và nhanh chóng trở thành biên tập viên của tạp chí ELLE.

Nhận thấy thị trường Anh đang thiếu các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp cho những người thiếu thời gian, bà đã nảy ra ý tưởng thành lập một công ty TNHH về thẩm mỹ nhanh. Bà chia sẻ với tờ FEMAIL: "Đó là một thời điểm điên rồ. Tôi phải quay cuồng với chi phí quảng cáo và đống ngân sách khổng lồ. Tuy nhiên, đây cũng là thời gian mang lại cho tôi nhiều niềm vui và kinh nghiệm quý báu. Sau đó, chúng tôi đào tạo một đội ngũ nhân viên để khởi nghiệp tại Grazia ở Anh".

Trong thời gian này, bà gặp Dharmash Mistry, một doanh nhân và cũng là nhà đầu tư mạo hiểm. Hai người đã nhìn vào thành công của các quán rượu ở Mỹ và tự hỏi liệu họ có thể áp dụng mô hình các quán rượu như thế ở Anh bằng cách bổ sung dịch vụ về trang điểm, làm đẹp và các dịch vụ làm đẹp khác không.

Bà cho biết: "Trong thế giới hiện đại, phụ nữ ngày càng ít thời gian để chăm sóc bản thân, trong khi đó, sự nổi lên của truyền thông xã hội và ảnh hưởng từ Mỹ khiến cho phụ nữ Anh cảm thấy áp lực về ngoại hình ngày càng tăng lên”.

Năm 2013, bà cùng những người cộng sự thành lập công ty Blow LTD, cho ra mắt một chi nhánh ở Covent Garden và tiếp tục mở thêm chi nhánh khác tại Canary Wharf vào năm 2014. Công ty chuyên phục vụ làm đẹp: từ sơn móng tay đến trang điểm chỉ trong vòng 30 phút.

Nhận thấy tiềm năng từ dịch vụ làm đẹp theo yêu cầu, họ cũng phát triển ứng dụng “Uber for beauty” cho phép khách hàng hẹn giờ trước tại các quán rượu hoặc được phục vụ làm đẹp ngay tại nhà. Điều này đòi hỏi công ty phải giải quyết một số lượng lớn công việc đằng sau hậu trường, xây dựng một ứng dụng kiểu uber và tuyển dụng các chuyên gia làm đẹp có trình độ đã qua các vòng kiểm tra nghiêm ngặt để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.

Theo đó, công ty sẽ gửi đội ngũ nhân viên gồm các nhà tạo mẫu, chuyên gia trang điểm và nhân viên làm móng đến nhà của khách hàng hay các sự kiện và khách sạn. Tất cả những gì khách hàng cần làm để được hưởng những dịch vụ trên chỉ là một cú click chuột trên ứng dụng “Uber for beauty”.

Công ty hiện đang được dẫn dắt bởi Dharmash, người đã đi kêu gọi nguồn vốn từ Nick Robertson (cựu CEO của ASOS), Mark Sebba (cựu CEO của Net-a-Porter), Jeremy Yap và nhà đầu tư chính Unilever Ventures.

Tương lai rộng mở

Hiện nay Blow LTD đã có mặt khắp nơi tại London và Home Counties. Họ mới mở thêm một chi nhánh tại Manchester, Birmingham và đang có dự định phát triển mô hình dịch vụ này ra toàn thế giới. Công ty hiện có 22 nhân viên trong trụ sở tại London và hơn 300 chuyên gia làm đẹp đang làm việc trong các chi nhánh trên toàn nước Anh. Rất nhiều nhà đầu tư lớn đã nhìn thấy tiềm năng trong ý tưởng kinh doanh này và đã rót vốn vào công ty như ASOS và Net-a-Porter.

Trong tháng 4/2017, tổng số tiền mà công ty nhận được lên tới 3,5 triệu bảng, trong đó có cả nguồn vốn đến từ Unilever, bao gồm Dove, Sure Và Toni & Guy. Bên cạnh đó, rất nhiều ngôi sao nổi tiếng cũng tin tưởng và lựa chọn dịch vụ của công ty bà như Nicole Scherzinger, Suki Waterhouse, Millie, Mackintosh và Rosie Fortescue.

Chia sẻ với những người muốn khởi nghiệp theo con đường này, bà Fiona nói: "Theo kinh nghiệm của tôi, điều quan trọng là bạn phải tìm một đối tác kinh doanh có kỹ năng hoàn toàn khác so với bạn và những người mà bạn thật sự tin tưởng. Thật tuyệt vời khi có những người này luôn sát cánh và ủng hộ bạn trên một con đường đầy chông gai. Bên cạnh đó, bạn cần nhận thức rằng, bắt đầu sự nghiệp kinh doanh thực sự rất khó khăn. Bạn cần phải có khả năng suy nghĩ, tranh luận, đối đầu với thách thức và nhiều hơn một chút may mắn".

Theo Nguyễn Linh

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Khi cả Bill Gates và Mark Zuckerberg cùng đưa ra cảnh báo về thị trường việc làm, đó là lúc ai cũng phải lắng nghe

Có thể bạn đã nghe thấy ý tưởng về xe tự lái. Tỷ phú Elon Musk cũng đã bày tỏ ý định sẽ sản xuất xe điện tự lái trong tương lai. Nhưng câu chuyện lớn đằng sau nó thì lại rất ít người để ý đến.

Trong bài phát biểu tại trường ĐH Harvard hôm thứ 5 tuần trước, Mark Zuckerberg đã nhắn gửi đến các sinh viên khóa 2017 rằng: "Thế hệ của chúng ta sẽ phải đối mặt với việc hàng chục triệu việc làm bị thay thế bởi tự động hóa như xe hơi và xe tải tự lái".

Ông chủ Facebook còn chia sẻ: "Các bạn đang tốt nghiệp ở một thời điểm mà mục đích sống trở nên đặc biệt quan trọng. Khi bố mẹ của chúng ta tốt nghiệp, mục đích sống chắc chắn phụ thuộc vào công việc, nhà thờ và cộng đồng. Nhưng ngày nay, công nghệ và tự động hóa đang làm mất đi rất nhiều việc làm. Số thành viên trong các cộng đồng giảm. Nhiều người cảm thấy lạc lõng và đang phải cố gắng để lấp đầy khoảng trống vô nghĩa đó".

Bill Gates - tỷ phú sáng lập Microsoft trước đó cũng có một vài cảnh báo tới các bạn trẻ. Ông nói trí thông minh nhân tạo sẽ có một tác động lớn. Tỷ phú Gates cho rằng 50 năm trước nhân vật Benjamin Braddock trong bộ phim "The Graduate" chỉ dùng một từ "nhựa" để khuyên đến các bạn trẻ, ngày nay ông ấy nên thay bằng "robot".

Nhưng đó không chỉ là lời cảnh báo duy nhất của người giàu có nhất thế giới về cuộc cách mạng robot. Tháng 2 năm ngoái, Bill Gates đã trả lời hãng tin Quartz rằng robot sẽ giải phóng người lao động và "đem lại cho những sinh viên mới tốt nghiệp cơ hội chăm sóc người già và giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bạn biết đấy, chúng đều là những công việc cần đến sự cảm thông và thấu hiểu rất riêng của con người".

Tỷ phú Zuckerberg cũng gợi ý cho các bạn trẻ hãy tìm ra ý nghĩa công việc và mục tiêu trong nền kinh tế tự động hóa mới. "Thế hệ sinh viên 2017, các bạn đang chuẩn bị bước vào một thế giới cần có mục tiêu mà bạn là người tạo ra chúng...Nói về những dự án đầy ý nghĩa là điều đầu tiên chúng ta có thể làm để tạo nên một thế giới nơi mà tất cả mọi người đều đó mục đích của riêng mình. Sau đó chúng ta cần đánh giá lại sự bình đẳng dành cho tất cả mọi người quyền tự do họ cần để theo đuổi mục tiêu. Nhiều bố mẹ của chúng ta đã có một công việc ổn định trong suốt con đường sự nghiệp của họ". Những bạn trẻ ngày hôm nay sẽ cần tự tạo ra con đường cho mình, chúng ta được tự do sai lầm và sửa sai.

Khoảng 65% người Mỹ dự kiến trong vòng 50 năm, robot và máy tính sẽ "gần như chắc chắn" là được hầu như tất cả những công việc của con người

Theo một báo cáo gần đây được thực hiện bởi Forrester Research, trong 10 năm tới, robot sẽ tạo ra 15 triệu việc làm mới ở Mỹ, kết quả trực tiếp của việc này là tự động hóa và trí thông minh nhân tạo sẽ chiếm 10% thị trường lao động. Cùng lúc đó, robot sẽ giết chết 25 triệu việc làm. Do đó, tỷ phú Gates đã đúng. Báo cáo của Pew Research Center cho thấy trí thông minh nhân tạo và tự động hóa đang trải qua một giai đoạn chuyển đổi, giống như những gì máy tính đã làm trong những năm 1980 và đồ nhựa đã làm 30 năm trước. Theo một thống kê độc lập của PwC, khoảng 38% việc làm ở Mỹ đang có "nguy cơ cao" bị thay thế bởi robot và trí thông minh nhân tạo trong vòng 15 tới, cao hơn Đức (35%) và Anh (30%).

Các nhà kinh tế nhận định những việc làm lương thấp dễ bị robot thay thế nhất. Theo một báo cáo của Nhà Trắng năm ngoái, 83% tự động hóa sẽ thay thế những việc làm được trả lương 20 USD/giờ và 31% robbot sẽ thay thế công việc được trả lượng từ 30-40 USD/giờ. Việc làm có mức lương trên 40 USD/giờ chỉ bị khả năng thay thế 4%. Và tất nhiên, kỹ sư robot sẽ không thể bị thay thế bởi robot.

Theo tỷ phú Gates, sinh học và năng lượng là hai ngành nhiều tiềm năng mà thế hệ sinh viên 2017 nên đặt cược. Khai thác và sản xuất năng lượng chiếm dụng khoảng 6,4 triệu lao động Mỹ và việc làm trong ngành này năm 2016 tăng khoảng 5% so với năm trước. Ngành sinh học chiếm dụng 1,7 triệu lao động ở Mỹ và số việc làm trong ngành này mỗi năm tăng khoảng 10%.

"Hãy để tôi chia sẻ cho các bạn một bí mật. Khi bắt đầu làm thì cũng chẳng ai biết gì cả. Khi những ý tưởng được đưa ra, chẳng phải cái nào cũng thành hình hoàn chỉnh. Chúng chỉ có thể ngày một sáng rõ hơn khi bạn đã bắt tay vào làm nó. Việc của bạn chỉ là bắt đầu.", ông chủ Facebook nói.

Theo Anh Sa

Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Điểm danh những dự án BĐS vào “tầm ngắm” của Kiểm toán Nhà nước

Hàng loạt chủ đầu tư dự án bất động sản tại Hà Nội lọt vào “tầm ngắm” khi xuất hiện trong danh sách kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất khu đô thị giai đoạn 2013-2016 của Kiểm toán Nhà nước theo Quyết định số 278/QĐ-KTNN ngày 06/3/2017.

Danh sách kiểm toán theo quyết định này gồm các đơn vị được kiểm toán tổng hợp, nhiều dự án được kiểm toán chi tiết và hàng chục dự án giao đất được kiểm tra đối chiếu, cụ thể: Dự án Khu đô thị Nam đường vành đai 3 (giai đoạn 1) phường Đại Kim- Hoàng Mai (Bitexco); Dự án Khu trung tâm đô thị Tây Hồ (Công ty TNHH THT); Dự án Star City Center- Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng (Công ty CP và Phát triển Đô thị Ngôi sao xanh; Dự án Hải Đăng City (giai đoạn 1) phường Mai Dịch và phường Mỹ Đình 2(Công ty CP Địa ốc Hải Đăng); Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp Văn phòng cho thuê, dịch vụ thương mại, căn hộ và trường mầm non 56 Nguyễn Chí Thanh(Công ty CP Bất động sản Viettronics); Dự án Khu chức năng đô thị TP Xanh phường Cầu Diễn(Công ty CP Bất động sản Hồng Ngân, nay là công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng); Dự án Khu nhà cao tầng CT2- Khu đô thị TP Giao lưu (Công ty CP Ngôi sao An Bình); Dự án 82 Nguyễn Tuân (Công ty TNHH Thống Nhất- Bắc Việt);Dự án Xây dựng Khu nhà ở Trúc Khê (Công ty CP Viễn Đông Invest);Dự án Khu nhà ở hỗn hợp tổ 51 phố Trung Kính (Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú - Trung Kính) và một số dự án khác...

Nội dung kiểm toán bao gồm việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ quản lý tài chính, kế toán và chế độ đầu tư xây dựng của Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất khu đô thị. Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất khu đô thị trên địa bàn TP giai đoạn 2013-2016 và các thời kỳ trước, sau có liên quan của các đơn vị được kiểm toán tại TP Hà Nội. Thời hạn kiểm toán 60 ngày kể từ ngày công bố quyết định.

Mục tiêu của việc kiểm toán để đánh giá việc tuân thủ, pháp luật, tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và sử dụng đất khu đô thị, đồng thời phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng, lãng phí, sai phạm trong quản lý và sử dụng đất khu đô thị. Công tác kiểm toán cũng nhằm xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định, kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý và sử dụng đất khu đô thị đảm bảo hiệu quả.

Theo Nhi Hà

Báo Xây dựng

Đọc tiếp »

Khởi động dự án đất vàng 4,2ha trên đường Phạm Hùng, KBC tăng vốn công ty con lên gấp 10 lần

HĐQT Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc –CTCP (KBC) vừa có quyết định tăng vốn điều lệ của một công ty con sở hữu 100% từ trên 145 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết HĐQT của KBC vừa thông qua việc tăng vốn Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen trong tháng 5/2017. Đây là Công ty con do KBC sở hữu 100% vốn được thành lập hồi tháng 6/2016 với mục đích là công ty phát triển dự án Diamond Rice Flower (tên cũ là Lotus Hotel).

Dự án này sẽ được đầu tư xây dựng ngay trên khu đất vàng có quy mô diện tích 4,2ha nằm ngóc đường ngã 3 Phạm Hùng – Đỗ Đức Dục, sát bên cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Kế hoạch ban đầu của KBC là dự tính sẽ xây dựng một toà tháp 100 tầng (chiều cao khoảng 400m) và 1 tòa cao 80 tầng (cao 320m) và 1 tòa 15 tầng. KBC đã từng đưa ra phương án kiến trúc của toà tháp đôi này cách đây vài năm trước với biểu tượng là hình bông lúa.

Tuy nhiên, rơi đúng vào giai đoạn thị trường bất động sản khó khăn, dự án còn vướng nhiều thủ tục pháp lý, cũng như KBC trong giai đoạn đó gặp khá nhiều khó khăn. Do đó, giấc mơ xây dựng dự án toà tháp đôi này đã không thành hiện thực. Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT của KBC đã từng chia sẻ rằng, đối với dự án này ông sẽ hợp tác với đối tác trong nước là tập đoàn BĐS hàng đầu Việt Nam để triển khai, chứ không một mình đứng ra làm bởi KBC không có kinh nghiệm xây dựng nhà cao tầng.

Trao đổi với chúng tôi về việc này, ông Phạm Phúc Hiếu, Phó TGĐ KBC cho biết, việc tăng vốn điều lệ lên gấp 10 lần tại Công ty Khách sạn Hoa Sen nhằm mục đích khởi động triển khai dự án này, hợp tác với các đối tác để đầu tư vào dự án khi được Thành phố Hà Nội chấp thuận đầu tư. Hiện Công ty đang chuẩn bị hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án, và sẽ sớm triển khai.

Theo Bình An

Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Căn hộ 25m2 – giải pháp cho nhà thương mại giá rẻ?

Phân khúc nhà giá rẻ luôn thu hút một lượng lớn nguồn cầu trên thị trường: người mua có thu nhập thấp, các cặp vợ chồng mới cưới có nhu cầu sống riêng, những sinh viên mới ra trường hoặc người mới đi làm, những người ngoại tỉnh đến làm việc, học tập trong thành phố...

Đó là chia sẻ của bà Đỗ Thị Thu Hằng – Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, Savills Hà Nội, về câu chuyện nhà thương mại giá rẻ 25m2.

Theo bà Hằng, những đối tượng khách hàng có nhu cầu thực về nhà ở nhưng chưa có tiềm lực tài chính dồi dào nên các căn hộ có mức giá khoảng 500 triệu - 1 tỷ là một sản phẩm rất vừa túi tiền.

Tuy vậy, nguồn cung nhà giá rẻ hiện nay còn đang rất hạn chế cả về chất và lượng. Điều này có thể hiểu được, bởi bài toán xây dựng nhà giá rẻ không phải là dễ dàng đối với các chủ đầu tư. Giá đất ở mức cao tại các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đặt ra thách thức lớn về chi phí.

Mặt khác, theo bà, các nhà phát triển bất động sản giá rẻ phải đảm bảo nhu cầu sinh sống và sử dụng lâu dài của cư dân tại dự án. Với mức giá thấp, các dự án này vẫn phải được đặt tại các khu vực không quá xa trung tâm, có cơ sở hạ tầng cùng các tiện ích công cộng phát triển, đồng thời cung cấp đủ tiện ích nội khu cơ bản đáp ứng chất lượng cuộc sống của người dân. Khó khăn trong cân bằng các yếu tố này dẫn đến một thực tế là thị trường đang thiếu đi các sản phẩm nhà thương mại giá rẻ chất lượng để đáp ứng nhu cầu cho một bộ phận lớn khách hàng.

Giảm diện tích căn hộ là một giải pháp logic

Cuối tháng 4 Bộ Xây dựng đã có văn bản phê duyệt đề xuất xây dựng căn hộ 25 m2 của một doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo bà, động thái này được coi là một định hướng mới của các cơ quan quản lý nhà nước đối với quy định về diện tích tối thiểu của căn hộ chung cư thương mại, khi Luật Nhà ở năm 2005 có quy định diện tích này là 45 m2 nhưng Luật Nhà ở sửa đổi năm 2014 bỏ ngỏ vấn đề này.

Đây có thể được coi là một giải pháp logic cho vấn đề thiếu nguồn cung căn hộ thương mại giá rẻ. Giảm diện tích căn hộ dẫn đến giá thành của căn hộ thấp hơn, phù hợp với túi tiền của những khách hàng có nhu cầu mua nhà giá rẻ hơn. Tuy vậy, chủ đầu tư cần có sự cân nhắc và thận trọng trong thiết kế, tận dụng không gian nhưng vẫn đảm bảo thuận tiện, gói gọn các tiện ích sinh hoạt.

Điều này có lẽ không quá khó vì các chủ đầu tư có thể tham khảo các quốc gia đi trước về xây dựng căn hộ siêu nhỏ như Hồng Kông, Singapore, Thái Lan. Giảm diện tích căn hộ cũng là một xu hướng tại các dự án chung cư nhằm tăng tính thanh khoản, vì vậy từ phương diện chủ đầu tư đây là một chuyển biến đáng mừng trong chính sách.

Nhưng còn thiếu sự đồng bộ

Bà Hằng nhận định rằng, về lý mà nói thì căn hộ 25 m2 không đi trái lại bất kỳ quy định hiện có nào về diện tích tối thiểu cho căn hộ chung cư thương mại.

Tuy vậy, theo công văn số 1245/BXD-KHCN ngày 24 tháng 6 năm 2013 về chỉ tiêu kiến trúc của công trình nhà ở cao tầng, Bộ Xây dựng có đưa ra chỉ tiêu dân số trong công trình nhà ở được tính bình quân 25m2 sàn sử dụng của căn hộ/người. Suy ra, theo công văn này Bộ Xây dựng chỉ cho phép một người ở trong căn hộ 25 m2. Liệu đây đã là cách hiểu đúng? Nếu được hơn thì xét trên phạm vi toàn dự án, diện tích nhỏ sẽ tạo ra áp lực về mặt vận hành tổng thể khi nhu cầu về điện, nước, xử lý rác thải, phòng cháy chữa cháy cũng như nhu cầu sử dụng các cơ sở hạ tầng và tiện ích chung của dự án theo số người và số hộ gia đình mà tăng lên. Căn hộ siêu nhỏ cũng đặt ra thách thức về mặt quản lý khi việc kiểm soát số lượng người ở trong căn hộ.

Lúc này cơ sở hạ tầng tại các dự án căn hộ siêu nhỏ sẽ càng chịu áp lực cao hơn, nhanh chóng xuống cấp, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cư dân nếu số người ở lớn hơn so với quy định.

Nhìn xa hơn là bài toán về chương trình phát triển nhà ở thành phố vì phấn đấu đến năm 2020, Hà Nội nâng diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố lên 26,3 m2/người (diện tích nhà ở tối thiểu 8,5 m2/người) từ diện tích bình quân 23,1 m2/người và diện tích tối thiểu 6,5 m2/người trong năm 2015. Việc cho phép xây dựng căn hộ 25 m2 có thể ảnh hưởng ở mức độ nào đó đến mục tiêu này nếu như việc phát triển căn hộ 25 m2 không được quản lý tốt về số lượng người ở trong căn hộ.

Căn hộ 25 m2 không có lỗi

Việc Bộ Xây dựng cho phép xây dựng căn hộ diện tích 25 m2 có thể được coi là tín hiệu đáng mừng cho cả người mua nhà thu nhập thấp và chủ đầu tư. Đây có lẽ là giải pháp cho nhà thương mại giá rẻ mà thị trường vẫn tìm kiếm bấy lâu, tạo điều kiện cho nguồn cung phát triển bắt kịp với nguồn cầu.

Tuy vậy, để đưa căn hô 25 m2 đi vào thực tiễn một các thành công, các cơ quan nhà nước cần có cái nhìn tổng quan khi đưa ra những quy định và hướng dẫn cụ thể trong quy hoạch, thiết kế và xây dựng các dự án có căn hộ diện tích siêu nhỏ.

Các doanh nghiệp tham gia vào thị trường căn hộ siêu nhỏ cũng cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng để vận hành và quản lý hiệu quả dự án. Có như vậy thì mới đảm bảo được chất lượng cuộc sống của cư dân tại các dự án này, tránh gây sức ép đáng kể lên hạ tầng giao thông và các tiện ích công cộng của thành phố, đồng thời giữ gìn hình ảnh và quy hoạch của đô thị.

Thế Trần

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »