“Số 0 sẽ chẳng mang nghĩa lý gì khi nó đứng một mình. Nhưng khi thêm con số bất kì đứng trước nó, con số đó sẽ trở nên cực kì giá trị”.
Khi còn nhỏ, ông nội gọi tôi lại và hỏi: “Subir, từ 0 đến 9, con số nào quyền lực nhất?”
Không một chút lưỡng lự, tôi trả lời: “Tất nhiên là 9 rồi ạ, vì nó lớn nhất. Số 0 đồng nghĩa với không có gì.”
“Cháu nhầm rồi”, ông bảo. “Hoàn toàn chính xác là số 0 nó sẽ chẳng mang nghĩa lý gì khi nó đứng một mình. Nhưng khi cháu thêm con số bất kì với nó, nó sẽ trở nên cực kì giá trị.”
“Có nghĩa là gì ạ?” Tôi thắc mắc.
“Cháu phải luôn ghi nhớ rằng bất kể cháu là ai, cháu sẽ không là gì nếu thiếu sự giúp đỡ của người khác. Hầu hết mọi người - từ quản lý, nhà lãnh đạo một khi trở nên quyền lực, họ lên giọng với người khác và quên đi vai trò của người ta trong sự thành công của mình. Điều quan trọng ở đây là mỗi chúng ta sẽ chẳng là gì nếu không có sự đóng góp, giúp sức của người khác. Nếu chúng ta biết tận dụng khả năng của người khác kết hợp với năng lực vốn có của mình, kết quả đạt được sẽ mạnh gấp bội lần. Con số 9 bây giờ sẽ thành 90.”
Như nhiều người trưởng thành khác, ông nội tôi sở hữu trí thông minh và kiến thức sâu rộng mà có lẽ rất lâu nữa tôi mới có thể sánh kịp. Trong cuộc sống, đôi khi bạn không trận trọng một vài thứ cho tới khi chúng ra đi. Ông nội tôi qua đời cách đây nhiều năm, nhưng những lời khuyên của ông vẫn còn đó, soi đường chỉ lối cho tôi mỗi ngày. Và kể từ khi tôi có những đứa cháu của riêng mình, dường như những điều ấy ngày càng trở nên đúng đắn hơn.
Quan điểm của nội tôi là nếu thiếu đi sự giúp đỡ của người khác, cuộc sống của ta sẽ thiếu đi phần nào ý nghĩa. Giấc mơ lẫn mục tiêu sống của ta sẽ chẳng thể nào thực hiện được. Nếu bạn muốn tiến về phía trước, bạn cần bàn tay của người khác kéo bạn đi lên, bạn đi từ con số 0 đến con số lớn hơn, và cứ thế, bạn trở nên mạnh mẽ. Bài học của nội tôi tuy nhỏ nhưng đã trở thành kim chỉ nam dẫn đường chỉ lối cho tôi, ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống của tôi mãi về sau.
Nếu bạn có bất cứ thách thức nào trong công việc, bạn sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi con số 0 trước đó cho tới khi bạn đề nghị sự giúp đỡ người xung quanh. Mỗi chúng ta đều cần ai đó giúp mình đạt được ước mơ và những mục tiêu – trong công việc, chuyện gia đình và ra ngoài xã hội nữa. Hay nói cách khác, như những gì tôi đã viết ở cuốn sách “Sự khác biệt” (The Difference), chúng ta cần học cách đồng cảm và thông cảm với những người xung quanh.
Sự đồng cảm thể hiện mối quan tâm, thấu hiểu cho cảm xúc, suy nghĩ cũng như thái độ của người khác, chúng ta học cách đặt bản thân mình vào chính họ. Nếu thiếu đi sự đồng cảm, khó mà thoát ra khỏi con số 0. Sự đồng cảm có nghĩa rằng mỗi quyết định mà bạn đưa ra mỗi ngày đều không chỉ ảnh hưởng đến bản thân bạn – khi bạn định nghĩa được điều đó, bạn đã bước từ “tôi” sang “chúng tôi”. Và khi bạn bước từ “tôi” sang “chúng tôi”, bạn tự mở ra cho mình một cánh cửa tới cuộc sống hoàn thiện hơn. Và khi bạn trở nên tử tế - đồng cảm – bạn đạt được nhiều hơn những gì bạn muốn.
Nếu bạn là lãnh đạo của một tổ chức nào đó, cách bạn đối xử với nhân viên, nhà cung cấp và khách hàng sẽ quyết định bạn sẽ ở mức 0 hay trở nên thành công thực sự. Điều này cũng tương tự như khi bạn là một công chức mới đắc cử, nếu không có những cử tri, bạn làm sao có được vị trí hiện tại. Là một người bố, người mẹ, những đứa con sẽ làm cho cuộc sống gia đình trở nên trọn vẹn hơn. “3 cây chụm lại nên hòn núi cao”, tập thể sẽ luôn mạnh hơn từng cá thể.
Cách đây không lâu, tôi gặp một nhà điều hành tại một trong 100 khách hàng theo bảng xếp hạng Fortune. Đó là một giám đốc điều hành cực kì thông minh, có tố chất lãnh đạo và khôn ngoan. Anh ta điều hành công việc một cách chặt chẽ và có tính kỷ luật. Anh không phải dạng người có thể chấp nhận những lời bào chữa từ người khác. Và tôi chắc là bạn cũng biết kiểu người không thích những cuộc tán gẫu, mà chỉ hoàn toàn nghiêm túc thôi. Họ thường thông minh và tài năng nhưng thiếu đi sự thấu hiểu và đồng cảm. “John” có xấp xỉ 20 lần phản ánh trực tiếp và hàng trăm lần theo cách gián tiếp. Người đàn ông làm việc không mệt mỏi, anh ta cực kì đòi hỏi ở chính mình và chính những người xung quanh.
Tôi bắt đầu cuộc trò chuyện với John bằng cách hỏi anh ấy kỳ nghỉ vừa qua của anh như thế nào. Tôi thích mở đầu một cuộc hội thoại như vậy vì nó phần nào giảm bớt đi sự căng thẳng quanh đây và giúp tôi hiểu hơn về khách hàng của mình. Nó mang tính chất khêu gợi nhưng thật bất ngờ thay, John đã dành 15 phút để kể về chuyến du lịch của anh ta (ngoài thời gian dự tính của chúng tôi). Anh ta miêu tả chuyến đi tuyệt vời ra sao và rõ ràng mà nói, kì nghỉ đó thực sự có ảnh hưởng sâu sắc đối với John. Khi John kể xong câu chuyện của mình, tôi bèn nói: “John này, kỳ nghỉ của anh có vẻ tuyệt vời quá; đồng đội của anh nghĩ như thế nào?” Anh ta đáp: “Tôi không nói chuyện với họ; chẳng có gì để phải bàn với họ về chuyện đó. Đó không phải là văn hóa công ty tôi. Anh biết điều đó chứ, Subir?”
Tôi không ngần ngại đáp trả John: “Thế, anh thử thay đổi văn hóa xem sao. Nếu anh muốn mọi người quan tâm đến tổ chức của mình, hãy chỉ cho họ thấy rằng anh đang thực sự để ý và quan tâm đến họ. Nếu anh dành thời gian kể cho tôi về chuyến du lịch của mình, anh cũng có thể làm điều tương tự với những nhân viên cấp dưới của anh. Chia sẻ trải nghiệm của anh với tất cả mọi người để họ thấy rằng anh đang đủ quan tâm đến họ và muốn chia sẻ những trải nghiệm của mình với họ. Đó là cách khuyến khích động viên họ chia sẻ những câu chuyện của họ với anh.”
Bằng cách đó, chúng ta đang thêm số 0 sau số 9.
Tạo ra văn hóa tích cực sẽ góp phần tạo nên một sự khác biệt lớn trong tổ chức của bạn. Mỗi người đều muốn biết là một nhà lãnh đạo, bạn quan tâm đến họ như thế nào. Không ai trong chúng ta có thể đi một mình, bởi thế đừng làm như vậy!
Truyền cảm hứng cho nhân viên, các thành viên trong gia đình hay những người hàng xóm của bạn thử xem, rồi bạn sẽ nhận ra sự khác biệt cực kì lớn. Tôi kiếm tiền nhờ việc giúp đỡ những thương hiệu nổi tiếng củng cố quá trình sản xuất của họ và tôi biết chắc chắn rằng không phải tất cả mọi thứ đều có thể cân đo đong đếm. Nhưng tôi có thể chắc chắn rằng thể hiện sự đồng cảm với người khác sẽ luôn tạo ra giá trị thặng dư.
* Subir Chowdhury là một trong những nhà tư vấn và nhà tư tưởng quản lý hàng đầu thế giới. Ông làm việc với các công ty trong danh sách Fortune 500, nhằm củng cố quy trình sản xuất, vận hành và chất lượng của chúng. Ông là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất mang tên “The powerful of six sigma” và “The ice cream maker”.
Trang-Ps
Theo Trí Thức Trẻ/BI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét