Lưu ý:

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

FDA siết chặt quy định với doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vừa ban hành quy định mới nhằm thắt chặt vệ sinh an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu.

Theo quy định này, kể từ ngày 17/9 tới, các doanh nghiệp đang xuất khẩu thực phẩm và đồ uống cho người và động vật vào thị trường Mỹ buộc phải xây dựng và triển khai Chương trình Hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm ngay tại cơ sở sản xuất của mình.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ - ông Đào Trần Nhân cho biết quy định này yêu cầu các cơ sở sản xuất phải có nhân viên đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn để xây dựng và triển khai chương trình hành động theo đúng yêu cầu của FDA.

Đối với mỗi sản phẩm cần xác định rõ các thông tin về mô tả sản phẩm như thành phần, quy trình sản xuất, đóng gói, lưu trữ, phân phối và vận chuyển, cũng như thời hạn và mục đích sử dụng của sản phẩm, đối tượng khách hàng...

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần xác định vòng đời của sản phẩm ngay từ khi bắt đầu quy trình sản xuất cho đến khi vận chuyển hoặc giao hàng thành phẩm.

Cơ sở sản xuất phải đánh giá các nguy cơ trong quá trình sản xuất, bao gồm các nguy cơ về sinh học, hóa học (trong đó có việc chiếu xạ) và tự nhiên, từ đó xác định các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát ở tất cả các khâu.

Các doanh nghiệp cũng phải đề xuất các biện pháp khắc phục khi việc kiểm soát phòng ngừa không được tiến hành đúng quy trình, sản phẩm bị ảnh hưởng do mất kiểm soát hoặc do giả mạo hay sai nhãn mác.

Ở mức độ tối thiểu, các sản phẩm bị ảnh hưởng phải bị cách ly trong lúc tiến hành các biện pháp khắc phục, hiệu chỉnh.

Các doanh nghiệp phải thường xuyên kiểm tra các thiết bị đo đạc, rà soát hồ sơ để đảm bảo Chương trình Hành động về an toàn vệ sinh thực phẩm được thực hiện đúng đắn và thích hợp nhất.

Chủ cơ sở sản xuất, người vận hành hay cá nhân chịu trách nhiệm phải xác nhận chắc chắn việc giám sát đang được quản lý tốt, đồng thời cũng phải xác nhận rằng những quyết định hợp lý để sửa chữa khắc phục đã được đưa ra để triển khai.

Theo quy định mới của FDA, khi có sản phẩm bị lỗi, doanh nghiệp phải có kế hoạch thu hồi theo đúng thủ tục như: trực tiếp thông báo cho người nhận hàng về sản phẩm bị thu hồi, trực tiếp thông báo cho công chúng, đồng thời kiểm tra để xác minh rằng việc thu hồi được thực hiện và có biện pháp thích hợp để xử lý các sản phẩm bị thu hồi.

Chương trình hành động về an toàn vệ sinh thực phẩm phải được đánh giá, phân tích lại và cập nhật thường xuyên ít nhất 3 năm một lần và phải được lưu trữ tại cơ sở sản xuất để luôn sẵn sàng cung cấp cho FDA khi có yêu cầu.

Các chuyên gia đánh giá đây là quy định bắt buộc mới của FDA. Các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng thực phẩm và đồ uống của Việt Nam vào thị trường Mỹ cần cập nhật và triển khai thực hiện kịp thời, tránh để sản phẩm bị ách lại do không đáp ứng quy định mới của phía Mỹ về vệ sinh an toàn thực phẩm, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Theo TTXVN

Đọc tiếp »

Chân dung người đã đưa Lehman Brothers đến đỉnh vinh quang rồi lại đẩy xuống vực thẳm

​CEO Dick Fuld là người gắn bó với Lehman trong suốt 4 thập kỷ. Nhưng chính quyết định thay đổi chiến lược đầu tư của ông đã đẩy ngã Lehman.

Richard S. Fuld Jr. (Dick Fuld) là sinh năm 1946, là một nhân viên ngân hàng Mỹ. Ông được biết đến nhiều nhất với tên gọi: CEO cuối cùng của Lehman Brothers (LB). Fuld trở thành chủ tịch kiêm CEO LB từ năm 1994, sau khi công ty này tách ra khỏi American Express cho đến năm 2008.

Fuld có biệt danh là "Gorilla của phố Wall" bởi tính đua tranh của mình. Ngay trước hôm LB đệ đơn phá sản, tờ Reuters nói rằng chính sự xấc xược của ông đã khiến cho LB sụp đổ. Ông trở thành tội đồ của thế giới và được xếp thứ hạng đầu tiên trong danh sách những CEO tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ do Condé Nast bình chọn.

Người đưa Lehman Brothers vượt khủng hoảng đến đỉnh vinh quang

Fuld đến với LB năm 1969 với công việc đầu tiên là một nhân viên giao dịch thương phiếu. Tính tổng quãng thời gian làm tại đây, ông đã gắn bó với LB gần 40 năm cùng với nhiều cương vị khác nhau. Ông chứng kiến và tham vào tất cả những thay đổi lớn của tập đoàn trong đó có đợt sáp nhập với Kuhn, Loeb & Co, khi bị American Express mua lại, đợt sáp nhập với E.F.Hulton và cuối cùng trở lại thành Lehman Brothers sau khi tách ra khỏi American Express năm 1994.

Năm 1994, American Express từ bỏ chiến lược “siêu thị tài chính” của mình. Kết quả là Lehman Brothers tách ra từ tập đoàn này và quay trở về với tên gọi ban đầu. Đó là lý do tại sao, nhiều người vẫn nói rằng, Lehman không phải là một ngân hàng đầu tư 158 tuổi, mà chỉ là một công ty 14 tuổi với cái tên 158 tuổi.

Tiếp nhận vị trí CEO trong bối cảnh công ty vừa trải qua một năm thua lỗ lên tới 102 triệu USD, Fuld đã thành công vực dậy Lehman Brothers, không những thế còn đưa công ty tăng trưởng. Kể từ sau khi Fuld trở thành chủ tịch kiêm CEO của LB, công ty đạt lợi nhuận 14 năm liên tiếp trong đó bao gồm cả năm 2007 - thời điểm giá cổ phiếu LB tăng ở mức cao kỷ lục 86,18 USD/cổ phiếu với giá trị vốn hóa thị trường lên tới 60 tỷ USD.

Fuld đã giúp vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998 - thời điểm cổ phiếu LB đã rơi xuống còn 22 USD cùng với sự sụp đổ của quỹ đầu cơ “Long-Term Capital Management” là một khách hàng lớn của Lehman Brothers. Nhưng tiếc rằng đó chính là cuộc khủng hoảng đầu tiên mà cũng là cuối cùng Fuld nắm vai trò lèo lái con thuyền Lehman Brothers.

... Rồi lại đẩy xuống vực thẳm

Vào thập niên 1980, Fuld nắm giữ vai trò là người đứng đầu bộ phận giao dịch trái phiếu của Lehman. Còn bộ phận ngân hàng do hai nhân vật Steve Schwarzman và Pete Peterson đứng đầu. Ở thời điểm đó, Fuld là người cực kỳ thận trọng. Bộ phận ngân hàng chủ trương sử dụng nguồn vốn nợ để thực hiện các phi vụ làm ăn có tính rủi ro cao, nhưng Fuld đã kiên quyết phản đối.

Đến năm 1994, sau khi Lehman tách ra khỏi American Express, lúc đó Schwarzman and Peterson ra đi để thành lập quỹ đầu tư Blackstone và trở thành hai tỷ phú, Fuld trở thành CEO của LB.

Sự thay đổi vị trí đã khiến Fuld trở nên liều lĩnh hơn. Ông thả lỏng mô hình làm ăn kiểu đi vay kết hợp đầu tư tại bộ phận ngân hàng. Chính sự lỏng lẻo từ bên trong đã đẩy Lehman Brothers lao dốc không phanh kể từ khi khủng hoảng bắt đầu tấn công vào phố Wall và kết thúc bằng một bản tuyên bố phá sản chỉ sau 1 năm.

Lehman đã vay quá nhiều vốn và dùng phần lớn khoản tiền này vào những vụ đầu tư tài sản đáng ngờ và đặc biệt là sự tham gia vào thị trường bất động sản.

Năm 2005, giám đốc toàn cầu phụ trách dòng sản phẩm có thu nhập cố định của Lehman Brothers là Michael Gelband đã phải ra đi vì có quan điểm trái ngược về chiến lược kinh doanh này của ông Fuld.

Trong cuốn A Colossal Failure Of Common Sense của Larry McDonald - một cựu chuyên viên giao dịch cấp cao tại Lehman Brothers đã viết rằng, chính sự thèm khát âm ỉ muốn cạnh tranh với Goldman Sachs và nhiều đối thủ trên phố Wall khác đã che mờ mắt Fuld, khiến ông phớt lờ mọi cảnh báo từ các giám đốc điều hành tại Lehman về viễn cảnh của một cơn sụp đổ.

Theo Anh Sa

Trí thức trẻ/CafeF

Đọc tiếp »

Muốn làm việc nhàn mà hiệu quả vẫn gấp đôi người khác, hãy dùng mẹo sau!

Suy nghĩ vào buổi sáng. Hành động vào buổi chiều. Ăn vào buổi tối. Ban đêm dành để ngủ.

Cùng quỹ thời gian 24 giờ nhưng không phải ai cũng sử dụng giống ai. Những người thông minh thành đạt sử dụng một ngày hiệu quả như thể họ có tới 30 giờ để làm rất nhiều việc. Không có bí mật nào lớn lao ngoài việc sắp xếp mọi việc phù hợp với mức năng lượng tinh thần làm việc trong ngày.

"Suy nghĩ vào buổi sáng. Hành động vào buổi chiều. Ăn vào buổi tối. Ban đêm dành để ngủ”, nhà thơ người Anh William Blake từng đúc kết.

Suy nghĩ vào buổi sáng

Bạn đã bao giờ thầm ngưỡng mộ những nhà tư tưởng, nhà lãnh đạo vĩ đại rằng họ luôn tràn đầy năng lượng để làm việc liên tục không ngừng nghỉ. Tuy nhiên sự thật không phải vậy. Sự khác biệt là các nhà lãnh đạo vĩ đại biết cách làm thế nào để quản lý sức mạnh ý chí của mình.

Tất cả chúng ta (ngay cả những thiên tài) thức dậy mỗi buổi sáng với một lượng sức mạnh ý chí nhất định. Bạn có thể tưởng tượng được rằng nó giống như một cục pin. Mỗi quyết định của bạn bất kể vấn đề nhỏ hay lớn đều làm vơi đi nguồn năng lượng của cục pin này. Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao Steve Jobs chỉ mặc màu đen áo thun? Đây là cách ông loại trừ rằng quyết định lựa chọn trang phục hàng ngày để có thể tập trung sức mạnh ý chí cho những điều khác.

Sáng tạo, động não và lập kế hoạch là tất cả các hoạt động đòi hỏi những quyết định được nâng lên đặt xuống. Chúng ngốn không ít năng lượng ý chí. Đây cũng chính là lý do tại sao những hoạt động này nên được thực hiện vào buổi sáng, khi bạn vẫn tràn đầy năng lượng của một ngày.

Tác giả Ackzepplin từng thực hiện các cuộc phỏng vấn tất cả 17 giám đốc điều hành và được cho biết họ làm việc hiệu quả hơn khi họ bắt đầu sớm hơn. Sự yên tĩnh của buổi sáng là thời điểm tốt nhất để lập kế hoạch một ngày và bắt tay vào những nhiệm vụ đòi hỏi nhiều tư duy nhất trước khi bất cứ ai xuất hiện và làm phiền bạn.

Hành động vào buổi chiều

Nếu bạn đã hoàn tất những suy nghĩ và kế hoạch vào buổi sáng thì buổi chiều là lúc bạn bắt tay vào thực hiện. Khoảng thời gian nên dành cho những hoạt động mang tính thường xuyên, thói quen mà bạn biết mình sẽ làm bằng cách này hoặc cách khác.

Hộp thư của bạn đã đầy? Bạn biết mình sẽ phải đọc những email này vào hôm nay, hãy dành cho buổi chiều khi năng lượng trí não của bạn xuống mức thấp và nhiệt huyết một ngày đang dần cạn kiệt.

Buổi chiều là thời gian tốt nhất để "quản lý" nhiệm vụ của mình thay vì tập trung vào bức tranh lớn hơn. Bạn không cần tất cả sức mạnh ý chí như đã sử dụng trong buổi sáng để làm những việc mang tính quán tính. Ngoài ra bạn đã lên kế hoạch trong ngày vào buổi sáng nên giờ hãy đơn giản là thả lỏng và thực hiện chúng.

Ăn vào buổi tối

Rất nhiều người nói rằng bữa ăn sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Tuy nhiên cũng có những chuyên gia cho rằng quan niệm này sai lầm và cho rằng ăn tối có thể là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Rõ ràng bạn từng có cảm giác muốn ăn gì đó trước khi chờ đến bữa tối. Bạn cần phải cung cấp nhiên liệu trong suốt cả ngày, nhưng bữa ăn tối giúp ích cho các bộ phận cơ thể bạn hơn bất kỳ bữa ăn khác.

Đầu tiên, ăn tối là một phần không thiếu của một người hạnh phúc. Các mối quan hệ xã hội là rất quan trọng và nhiều giao tiếp xã hội được dựa trên bữa tối. Không chỉ có vậy, những gia đình thường xuyên ăn tối với nhau sẽ hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn và tốt hơn cho trẻ em. Không chỉ quan trọng với niềm hạnh phúc, liệu bữa tối cũng quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta?

Chắc chắn rồi.

Theo nghiên cứu của Mental Healthy, nó giúp ích cho việc đi ngủ. Để ngủ ngon, chúng tôi cần nguồn cung cấp ổn định đường huyết suốt đêm cho các bộ phận cơ thể. Nếu chúng ta không ăn uống lành mạnh, cơ thể phải sử dụng hệ thống dự trữ glucose, có thể khiến chúng ta thức dậy và khó ngủ lại.

Ban đêm dành để ngủ

Giấc ngủ rất quan trọng bởi vì cơ thể của chúng ta thực hiện các chức năng phục hồi quan trọng trong khi ngủ. Chắc bạn từng biết cảm giác thức dậy tỉnh táo và sẵn sàng bước vào một ngày hay cảm giác uể oải vì mất ngủ. Đó là bởi vì cơ thể chúng ta chỉ thực hiện chức năng tái sinh trong khi ngủ.

Cụ thể, khi ngủ cơ thể bạn thực hiện những công việc sau:

- Chữa lành các tế bào bị hư hỏng

- Tăng cường hệ thống miễn dịch

- Lưu trữ phục hồi các hoạt động trong ngày

- Nạp lại năng lượng cho trái tim và hệ thống tim mạch.

Và quan trọng nhất đối với thói quen hàng ngày của bạn, giấc ngủ sẽ cải thiện lại sức mạnh ý chí của bạn. Một giấc ngủ tốt sẽ tạo ra sự khác biệt giữa hoàn thành công việc tuyệt vời và năng suất kém vào ngày hôm sau.

Thảo Nguyên

Theo Trí Thức Trẻ/Lifehack

Đọc tiếp »

Starbucks mở nhiều quá, nhanh quá, thế là hết vị thế "sang chảnh"

Việc phát triển chuỗi cà phê quá nhanh và quá rộng lớn và thiếu đột phá khiến Starbucks đang mất dần vị thế ban đầu khiến cà phê hãng này trở thành thức uống "phổ thông".

Từ một cửa hàng đầu tiên được mở tại thành phố Seatlle vào năm 1971, ngày nay Starbucks đã lan tỏa hầu như khắp mọi nơi trên thế giới với 24.000 cửa hàng. Thậm chí, người ta còn ước tính rằng cứ mỗi ngã tư ở New York lại có 2 cửa hàng Starbucks: một ở góc này và một ở góc bên kia, để phục vụ cho khách bộ hành đi hai lề đường khác nhau.

Thường thì tiệm nào cũng đông nghẹt. Người Mỹ coi những cửa hàng Starbucks như ngôi nhà thứ 3 (sau văn phòng và ngôi nhà theo đúng nghĩa đen của mình). Tại đây, người ta có thể gặp gỡ, giao lưu với bạn bè và thậm chí là trò chuyện với người lạ.

Tuy nhiên, dường như việc quá phổ biến và giống nhau giữa các cửa hàng trên thế giới cũng chính là nguyên nhân khiến thương hiệu này đang dần bị lu mờ và trở thành phổ thông thay vì được biết đến như một nhãn hàng cà phê cao cấp như trước. Không thể phụ nhận rằng thiết kế cửa hàng cũng như hương vị cà phê của Starbucks khá hợp thời tuy nhiên lại không có sự thay đổi phá cách.

Sự rập khuôn đối với tất cả các cửa hàng trên thế giới khiến khách hàng, đặc biệt là giới trẻ đang dần trở nên "chán". Tất cả các cửa hàng của Starbucks trên thế giới đều phải theo một chuẩn mực chung. Sẽ không có chuyện một cửa hàng đơn lẻ có thể tự ý cho thêm một thức uống mới vào thực đơn của mình hoặc thay đổi hương vị sao cho phù hợp với khẩu vị của từng vùng.

Ngay cả sự phổ biến của rộng khắp của Starbucks cũng đang bị đe dọa bởi các đối thủ mạnh khác như Dunkin' Donuts và McDonald's khi các hãng này đang lần lượt mở rộng độ bao phủ chuỗi cửa hàng của mình trên toàn thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc, khách hàng có nhiều sự lựa chọn khác đến từ các hãng nổi tiếng nước ngoài thay vì chỉ trung thành với Starbucks.

Chuyên gia Robin Lewis nhận định rằng việc quá phổ biến giống như "nụ hôn của thần chết đối với những nhãn hiệu nổi tiếng, đặc biệt là những nhãn hàng nhắm vào đối tượng giới trẻ". Ông còn cho rằng để tiếp tục duy trì vị thế và thương hiệu cà phê cao cấp thay vì bị tụt lùi trở thành thứ cà phê "phổ thông", Starbucks cần nỗ lực nhiều hơn nữa.

Trước tình hình đó, Starbucks đã đầu tư hàng triệu đô la để xây dựng hệ thống cà phê rang xay tại chỗ Roastery.

Cửa hàng Roastery đầu tiên được mở tại Seattle rộng tới 1400 mét vuông. Tại đây khách hàng được trực tiếp chứng kiến công đoạn rang xay cà phê cũng như thưởng thức những ly Nitro Cold Brew Float ( Cà phê được pha cùng với ni tơ hóa lỏng dùng cho thực phẩm giúp tạo bọt giống như bia) giá 10$.

Cửa hàng này được xem là tương lai cũng như là lối đi dành cho Starbucks trong thời điểm hiện tại đồng thời là lời tuyên bố quyết tâm đổi mới trong nền văn hóa cà phê đang thay đổi liên tục.

Hiện tại, Starbucks đang mở tiếp 2 quán cà phê Roastery tại New York và Thượng Hải, dự kiến sẽ mở thêm 10 cửa hàng khác tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, hãng này còn có kế hoạch mở thêm 500 cửa hàng Starbucks Reserve Coffee ( cửa hàng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn phục vụ những đồ uống hảo hạng nhất của Starbucks).

Ngoài ra, Starbucks còn liên tục đưa vào menu những đồ uống mới với những phương thức pha chế mới lạ như Nitro Cold Brew Float, Latte Macchiato...

Phát biểu tại hội nghị được tổ chức ở New York hôm thứ 5 tuần trước, CEO của Strarbucks, ông Howard Schultz cũng đã thừa nhận những thách thức và thiếu xót của việc mở rộng quá lớn trên chuỗi cửa hàng của mình: " Đây là những nỗ lực nhằm giải quyết những thách thức nảy sinh từ việc mở rộng quá lớn trên chuỗi cửa hàng của mình. Cửa hàng của chúng tôi có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới nhưng chất lượng cà phê lại không được ngon so với ngày đầu thành lập khi mới chỉ 5 cửa hàng Starbucks".

Ông còn tin tưởng rằng: "với kinh nghiệm gần 40 năm hoạt động của cửa hàng cùng với gần 200.000 con người đang làm việc cho Starbucks ở Mỹ tôi vô cùng tự hào về những gì đã đạt được. Và tôi tin rằng đây là thời điểm tốt để chúng tôi đầu tư để thay đổi".

Đức Quỳnh

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Chuyên gia World Bank: “Lọc dầu Dung Quất thua lỗ là điều khó hiểu”

“Tại sao nó lại chịu thua lỗ mặc dù có lợi thế về chi phí và được trợ cấp nhiều?” Bình Sơn đã được ưu đãi đến 2 lần thuế với số tiền không hề nhỏ.

Đó là ý kiến của bà Masami Kojima, đại diện Ngân hàng thế giới tại Hội thảo đánh giá trợ cấp năng lượng Việt Nam, sáng 13/9.

Báo cáo của Ngân hàng thế giới về Trợ cấp năng lượng ở Việt Nam nhằm mục tiêu Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam có hiểu biết tốt hơn về trợ cấp năng lượng và tác động của giảm dần trợ cấp năng lượng để nâng cao hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng.

Diễn biến khó hiểu ở lọc dầu Bình Sơn

Theo bà Masami Kojima tác động kinh tế của các khoản trợ cấp không phải lúc nào cũng tiêu cực. Một số trợ cấp phổ biến, ngay cả ở các nước có thị trường năng lượng lớn mạnh. Ví dụ như trợ cấp chéo cho người sử dụng điện vùng nông thôn bởi cư dân đô thị và hỗ trợ sưởi ấm cho người nghèo ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Trợ cấp cũng nhằm mục tiêu thúc đẩy ứng dụng sớm các nguồn năng lượng mới như mặt trời, gió, sinh học.

Tuy nhiên “Câu hỏi về chính sách đặt ra đối với Chính phủ là liệu các lợi ích thu được có vượt xa chi phí không và thách thức đối với chính sách là làm thế nào để đảm bảo các khoản trợ cấp này không gây méo mó thị trường về lâu dài”, bà nói.

Theo bà Masami Kojima, nhà máy lọc dầu Dung Quất, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là nhà máy lọc dầu duy nhất tại Việt Nam đi vào hoạt động từ năm 2009 và sử dụng nguồn nguyên liệu dầu thô trong nước và chuyển sang hoạt động thương mại từ tháng 5/2010.

Nhìn vào quy mô thì nhà máy có đủ quy mô cạnh tranh, hiệu quả trong sản xuất. Bình Sơn dùng dầu thô ngay trong nước thì sản xuất, phân phối đáng lẽ ra phải thấp hơn các nơi khác. Nếu so sánh lọc dầu của Singapore, Hàn Quốc…phải nhập khẩu dầu thô và xuất khẩu các chế phẩm lọc dầu cho Việt Nam như vậy họ phải trả hai lần cho chi phí vận chuyển (nhập khẩu thô và xuất khẩu sản phẩm tinh chế).

Bên cạnh đó, nhà máy lọc dầu Bình Sơn còn được hưởng 2 ưu đãi thuế là thu nhập doanh nghiệp và giữ lại số tiền tương đương mức ưu đãi. Cụ thể thuế thu nhập doanh nghiệp trong 30 năm: 0% cho 4 năm đầu tiên, 5% cho 9 năm tiếp theo, 10% thay vì 20% cho 17 năm sau đó. Mức trợ cấp thuế này là sự hỗ trợ đáng kể đối với nhà máy. Tuy nhiên dù nhận được mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp lớn và có những lợi thế về chi phí, nhà máy vẫn gặp nhiều khó khăn để đạt được mức khả thi tài chính.

Thứ hai là có thể giữ lại số tiền tương đương mức ưu đãi: 10% với sản phẩm dầu mỏ, 7% đối với các sản phẩm khác, 5% đối với LPG và 3% đối với hóa dầu.

Nếu nhà máy không được phép giữ lại các khoản tương đương với mức giá ưu đãi đó, báo cáo tổng số lũy kế của nhà máy hóa dầu Bình Sơn có thể lên tới 27,6 nghìn tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) trong khoảng thời gian từ năm 2010- 2014. Nhưng khoản trợ cấp liên quan đến mức giá ưu đãi đã giúp giảm số lũy kế trong khoảng thời gian này xuống còn 1 nghìn tỷ đồng (khoảng 50 triệu USD). Khoản chênh lệch là phần doanh thu thuế mà Chính phủ đã mất đi.

"Diễn biến ở lọc dầu Bình Sơn hơi khó hiểu", bà Masami Kojima nói.

Theo bà Masami Kojima cần phải phân tích hiệu quả tài chính của nhà máy lọc dầu Bình sơn vì sao thấp như vậy mặc dù được hưởng rất nhiều ưu đãi.

Nói về nhà máy lọc dầu Bình Sơn, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết: “Nhà máy Bình Sơn có nhiều ưu đãi và lợi thế về vận chuyển nhưng nếu nghiên cứu sâu lọc dầu Bình Sơn vẫn có khó khăn vì giá vận chuyển không phải giá họ tự quyết được. Bên cạnh đó, về công nghệ khi thiết kế thì Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ tiêu thụ dầu thô ngọt từ mỏ Bạch Hổ. Do đó, khi bán ra thị trường giá rất cao bởi nhưng khi giá dầu xuống, họ buộc phải mua giá dầu ngọt của Bạch Hổ có mức chênh nhiều với giá dầu chua”.

“Nhìn chung, thị trường Việt Nam rất phức tạp, các chính sách trợ cấp cần phải đặt trong tổng thể lớn dựa trên các tiêu chí về kinh tế, an ninh năng lượng, phát triển về môi trường….”, đại diện PVN nói.

Ngành điện là ngành có giá cả bị bóp méo lớn nhất

Ngoài ra, Bà Kosima, đánh giá về trợ cấp năng lượng Việt Nam ở các dạng năng lượng như điện, than, khí gas…

Ngoài những trợ cấp như trợ cấp đầu vào, cho vay tín dụng, miễn thuế thì các doanh nghiệp đặc quyền nhà nước như Bình Sơn, EVN, Vinacomin được dễ dàng hơn trong việc tiếp cận Ngân hàng nhà nước. EVN hoạt động không có lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (trợ giá cho người tiêu dùng), được Chính phủ bảo lãnh ngầm các khoản vay, du di thanh toán chậm. Nguyên nhân cơ bản do giá điện được định giá thấp; Vinacomin được phép chậm nộp thuế; Bảo vệ Vinacomin trong bối cảnh giá than thế giới sụt giảm thông qua việc bán than cho EVN.

Cũng theo bà Masami Kojima, những quan sát cho thấy ngành điện là ngành có giá cả bị bóp méo lớn nhất (trợ cấp giá điện dưới dạng định giá thấp).

Cần đánh giá lại việc sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu; chi cấp thuế lớn và ưu đãi cho các nhà máy lọc dầu và nhà máy điện; định giá khí than thiên nhiên và giá than theo nhiều mức. Một vấn đề quan trọng tiếp theo là ứng phó chính sách của chính phủ đối với cú sốc giá dầu tiếp theo.

Đại diện Tổng cục Năng lượng cho rằng, có thể một số số liệu nghiên cứu của World Bank đưa ra chưa được cập nhật.

Theo ông, Việt Nam cũng đã có nhiều cố gắng trong việc tăng giá năng lượng. “Nếu không tăng giá sản phẩm xăng dầu thì hiện nay không đủ ngân sách để bù lỗ. Hoặc giá than cũng đã cố gắng điều tiết, giá than bán cho ngành điện hiện nay cũng không phải dưới giá thành. Về trợ cấp giá điện, mục tiêu phải cấp đủ điện để phát triển kinh tế nên hiện nay các nhà tài trợ cũng đang cấp ODA cho ngành điện để phát triển các dự án ở vùng sâu vùng xa”.

Trước những đánh giá của World Bank, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng bày tỏ, hiện nay các khoản vay ODA của tập đoàn đều vay lại của Chính phủ thông qua Bộ Tài chính, EVN phải trả lãi vay, phí rủi ro tương ứng với khoản vay thương mại nên vốn ODA với tập đoàn chỉ có ý nghĩa về việc kéo dài thời gian vay. Ngoài ra EVN cũng không được giãn nợ, các khoản vay đều phải thực hiện theo hợp đồng vay.

Theo Diệu Thùy

Infonet

Đọc tiếp »

Công ty niêm yết trên sàn chứng khoán có trụ sở là quán bò né chỉ còn 6 triệu đồng tiền mặt, cựu Giám đốc cầm 160 tỷ không bàn giao

Năm 2015, MTM lỗ gần 60 tỷ đồng, tiền mặt tại thời điểm cuối năm chỉ còn 6 triệu đồng, lỗ luỹ kế 57 tỷ đồng.

Công ty cổ phần mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (MTM) hồi tháng 6 vừa qua đã gây xôn xao giới đầu tư tài chính khi Tổng cục thuế thông báo doanh nghiệp này đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế, trong khi cổ phiếu vẫn được giao dịch trên sàn chứng khoán.

Khi đó, lần theo những thông tin mà doanh nghiệp này công bố, trụ sở của công ty là quán bò né, sốt vang, bún lươn và đầu số điện thoại cố định không hề tồn tại.

Sau sự kiện này, cổ phiếu của công ty đã bị ngừng giao dịch, hàng loạt nhân sự chủ chốt bị thay thế. Mới đây, MTM đã công bố báo cáo tài chính tiết lộ nhiều thông tin về hoạt động của công ty.

Theo đó, năm 2015, MTM lỗ gần 60 tỷ đồng, tiền mặt tại thời điểm cuối năm chỉ còn 6 triệu đồng, lỗ luỹ kế 57 tỷ đồng.

Từ tháng 8/2015, MTM đã thay đổi người đại diện pháp luật từ ông Vũ Đại Dương sang ông Nguyễn Lê Trường. Tuy nhiên, công tác bàn giao tài sản, sổ sách, số liệu, chứng từ kế toán không được tổ chức.

Ban giám đốc MTM giai đoạn tháng 5 đến tháng 8 cũng không tổ chức bộ máy kế toán, không viết phiếu thu chi tiền mặt. Các uỷ nhiệm chi và giấy báo có ngân hàng không được lưu trữ đầy đủ, hoá đơn đầu vào đàu ra, biên bản giao nhận, thanh lý hợp đồng, kiểm kê tài sản cũng đều không được lưu trữ.

Trong năm 2015, các khoản tiền mặt tại ngày 1/1/2015 và khoản tiền mặt rút về từ ngân hàng từ 1/1 đến 29/8 tổng cộng gần 160 tỷ đồng không được bàn giao cho lãnh đạo mới. Khi kiểm kê tại ngày 31/12, toàn bộ số tiền mặt này đã không còn. Theo hồ sơ, chứng từ rút tiền (Séc, uỷ nhiệm chi) toàn bộ số tiền này do Giám đốc Vũ Đại Dương cầm.

Hội đồng quản trị và ban lãnh đạo đương nhiệm của MTM sẽ làm việc với từng đối tượng và gửi hồ sơ cho cơ quan chức năng xem xét nếu có hành vi chiếm đoạt tài sản của công ty.

Được biết, quý 1/2016 MTM lỗ gần 1 tỷ đồng và sang quý 2 lỗ tiếp 1,1 tỷ đồng. Đến ngày 30/6, Ban lãnh đạo công ty vẫn chưa làm việc được với những người cũ. Tiền mặt cuối tháng 6 chỉ còn gần 5 triệu đồng.

Minh Quân

Theo Trí Thức Trẻ

Đọc tiếp »

Hotgirl kể chuyện những cám dỗ khó cưỡng của nghề môi giới bất động sản

Môi giới BĐS là một nghề không ưu ái cho nam hay nữ, để thành công thì bắt buộc phải đánh đổi. Nữ có thiệt thòi hơn, nhưng cũng có những ưu điểm riêng của mình. Quan trọng nhất là phải yêu nghề, kiên trì và bản lĩnh mới thành công.

Hầu hết những sinh viên bước vào nghề môi giới bất động sản vì 2 lý do chính là thất nghiệp không còn việc gì để làm hoặc muốn kiếm tiền nhanh chóng. Và Kiều Dung là một trong số những người muốn kiếm tiền nhanh chóng từ nghề môi giới BĐS.

Kiều Dung sinh năm 1989, tốt nghiệp tại một trường trường đại học ngoại ngữ danh tiếng tại Hà Nội. Với gương mặt khả ái, nước da trắng bóc và chiều cao lý tưởng cô dễ dàng tìm cho mình một công việc văn phòng nhàn hạ với mức lương ổn định. Tuy nhiên, nhìn mức thu nhập cả chục triệu đồng của cô bạn cùng phòng đã thôi thúc Dung bước chân vào nghề môi giới bất động sản.

Dung kể lại, hồi mới ra trường nghe Dung nói vừa xin vào một sàn giao dịch BĐS để làm môi giới bố mẹ cô đã cật lực phản đối. Hàng xóm láng giềng điều ra tiếng vào: "Xinh xắn, học giỏi cuối cùng lại đi làm cò đất. Nghe nói trên thành phố cò nhà đất lừa đảo nhiều lắm". Không chỉ hàng xóm ở quê mà ngay cả bạn bè cũng khuyên can Dung nên từ bỏ ước mơ giàu nhanh với nghề này nhưng Dung vẫn nhất định theo đuổi đến cùng.

Tuy nhiên, "đời không như là mơ nên đời thường giết chết mộng mơ", con đường trải hoa hồng với thu nhập vài chục triệu dường như biến thành con đường đầy gai. Mức lương cho một nhân viên mới vào nghề như Dung rất thấp chỉ với 4 triệu đồng/tháng. Dung vất cả chạy ngược chạy xuôi, nhiều khi phải đứng đường phát tờ rơi dự án giữa cái nắng như thiêu như đốt, khói bụi oi bức của mùa hè Hà Nội. Nhiều khi bị nhầm là đa cấp Dung không khỏi buồn tủi.

Thêm vào đó, khái niệm về thời gian là không tồn tại khu Dung bước chân vào con đường môi giới, việc phải đi sớm về khuya đã thành thói quen. Nhiều lúc mệt mỏi, không còn thời gian để nghĩ đến chuyện cá nhân, kể cả những nhu cầu thiết yếu với con gái như mua sắm, làm đẹp hay dành thời gian cho người yêu cũng không có luôn. Có những hôm hẹn đi chơi với người yêu, khách gọi hẹn gặp xem nhà vẫn phải chiều khách.

Sau hơn 1 năm làm ở sàn, nhờ gương mặt xinh xắn lại ăn nói dễ nghe Dung nhanh chóng trở thành hotgirl của cả sàn giao dịch nơi cô làm. Chính vì thế khách hàng đến và những giao dịch được chốt ngày càng nhiều. Nhưng rồi, cái gì cũng có cái giá của nó, càng dấn sâu vào nghề môi giới Dung mới thấy hết được những cạm bẫy, những cám dỗ mà nếu như không có bản lĩnh sẽ khó vượt qua.

Dung chia sẻ: "Nếu như bác sĩ gặp bệnh nhân vào lúc họ đau khổ nhất thì môi giới BĐS lại gặp khách hàng vào lúc họ thành đạt nhất. Chính vì vậy, không ít khách hàng đã lợi dụng sự giàu có để tán tỉnh, nhiều khi có ý đồ xấu với những môi giới trẻ trung xinh đẹp".

“Lúc mới vào nghề, hễ có khách hàng nào gọi điện là mình mừng quýnh đi ngay, không nghĩ ngợi gì nhiều. Tuy nhiên, bây giờ mình phải thăm dò kỹ, xác định xem có phải khách hàng tiềm năng và đáng tin cậy không mới trực tiếp đến gặp. Hơn thế nữa, hẹn gặp cũng tuyệt đối tránh gặp tại nhà riêng, khách sạn để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra", cô môi giới BĐS xinh đẹp cho biết.

Dung kể, cô đã chứng kiến cảnh nhiều đồng nghiệp nữ không cưỡng lại được sự hào nhoáng bên ngoài của những đại gia đi ô tô mua nhà, nhiều cô đã phải lòng trước sự yêu chiều của khách với những món quà hàng hiệu, những cuộc vui thâu đêm...và cuối cùng nhận được cái kết bẽ bàng khi bị đánh ghen tại cơ quan.

Cũng theo tiết lộ của Dung, làm môi giới cũng như bất kỳ nghề nào, phải có tâm thì mới lâu dài. Những câu chuyện môi giới BĐS gian dối với khách không hề hiếm trong nghề môi giới bất động sản. Động lực để các môi giới địa ốc là hoa hồng được hưởng. Tuy nhiên, hoa hồng sau mỗi giao dịch cũng là cạm bẫy, thử thách sự tử tế ở người môi giới. Không phải môi giới nào cũng dễ dàng vượt qua cám dỗ đồng tiền để trở thành người tư vấn trung thực.

"Gần 6 năm trong nghề môi giới, mình chứng kiến không ít trường hợp đồng nghiệp nói dối khách hàng, bất chấp tất cả để dồn khách ký hợp đồng. Dự án không công viên, không có hồ bơi nhưng để bán được hàng, nhân viên tư vấn vẫn khẳng định như đinh đóng cột với khách hàng là sẽ có ở giai đoạn 2. Ngay cả những dự án có pháp lý chưa rõ ràng, môi giới cũng giấu nhẻm luôn chuyện này với khách. Đến khi mọi chuyện vỡ lỡ, khách hàng gọi điện phàn nàn thì môi giới trả lời qua loa rồi tắt máy.

Nhiều môi giới sẵn sàng bịa chuyện để thuyết phục khách hàng. Tại nhiều dự án chung cư thương mại giá rẻ, môi giới hứa với khách chắc chắn được vay gói lãi suất ưu đãi 30 nghìn tỷ dù giá trị căn nhà lên đến 1,2 tỷ. Cũng có môi giới lấy cớ quen biết người này người nọ để khách hàng yên tâm nhưng rồi sau khi ký được hợp đồng thì ngay lập tức "bỏ rơi" khách hàng", Dung cho biết.

Tuy nhiên, theo Dung với những môi giới làm ăn chụp giật thì sẽ khó để khách hàng quay lại lần thứ hai, cách làm ăn này sẽ không lâu bền. Những người môi giới thành công đều có điểm chung là luôn đặt lợi ích khách hàng lên cao nhất trong mỗi giao dịch. Khi môi giới hết lòng với khách thì họ sẽ nhận được hơn một giao dịch mà còn rất nhiều những giao dịch tiềm năng khác.

Mặc dù có những khó khăn, nhưng nhìn lại gần 6 năm lăn lộn trong nghề môi giới bất động sản, Dung không hề hối hận. Từ một cô gái bồng bột, sôi nổi và có phần tự ti về nghề môi giới của mình đến nay chính nghề này đã giúp cô rèn luyện được sự kiên trì, tự tin, khả năng giao tiếp và có con mắt nhìn đời cặn kẽ hơn, cô cũng tự hào là thiên sứ mang lại tổ ấm cho cả trăm gia đình trong suốt 6 năm qua.

Theo Mộc Lan

Trí thức trẻ/CafeF

Đọc tiếp »