CEO Dick Fuld là người gắn bó với Lehman trong suốt 4 thập kỷ. Nhưng chính quyết định thay đổi chiến lược đầu tư của ông đã đẩy ngã Lehman.
Richard S. Fuld Jr. (Dick Fuld) là sinh năm 1946, là một nhân viên ngân hàng Mỹ. Ông được biết đến nhiều nhất với tên gọi: CEO cuối cùng của Lehman Brothers (LB). Fuld trở thành chủ tịch kiêm CEO LB từ năm 1994, sau khi công ty này tách ra khỏi American Express cho đến năm 2008.
Fuld có biệt danh là "Gorilla của phố Wall" bởi tính đua tranh của mình. Ngay trước hôm LB đệ đơn phá sản, tờ Reuters nói rằng chính sự xấc xược của ông đã khiến cho LB sụp đổ. Ông trở thành tội đồ của thế giới và được xếp thứ hạng đầu tiên trong danh sách những CEO tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ do Condé Nast bình chọn.
Người đưa Lehman Brothers vượt khủng hoảng đến đỉnh vinh quang
Fuld đến với LB năm 1969 với công việc đầu tiên là một nhân viên giao dịch thương phiếu. Tính tổng quãng thời gian làm tại đây, ông đã gắn bó với LB gần 40 năm cùng với nhiều cương vị khác nhau. Ông chứng kiến và tham vào tất cả những thay đổi lớn của tập đoàn trong đó có đợt sáp nhập với Kuhn, Loeb & Co, khi bị American Express mua lại, đợt sáp nhập với E.F.Hulton và cuối cùng trở lại thành Lehman Brothers sau khi tách ra khỏi American Express năm 1994.
Năm 1994, American Express từ bỏ chiến lược “siêu thị tài chính” của mình. Kết quả là Lehman Brothers tách ra từ tập đoàn này và quay trở về với tên gọi ban đầu. Đó là lý do tại sao, nhiều người vẫn nói rằng, Lehman không phải là một ngân hàng đầu tư 158 tuổi, mà chỉ là một công ty 14 tuổi với cái tên 158 tuổi.
Tiếp nhận vị trí CEO trong bối cảnh công ty vừa trải qua một năm thua lỗ lên tới 102 triệu USD, Fuld đã thành công vực dậy Lehman Brothers, không những thế còn đưa công ty tăng trưởng. Kể từ sau khi Fuld trở thành chủ tịch kiêm CEO của LB, công ty đạt lợi nhuận 14 năm liên tiếp trong đó bao gồm cả năm 2007 - thời điểm giá cổ phiếu LB tăng ở mức cao kỷ lục 86,18 USD/cổ phiếu với giá trị vốn hóa thị trường lên tới 60 tỷ USD.
Fuld đã giúp vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998 - thời điểm cổ phiếu LB đã rơi xuống còn 22 USD cùng với sự sụp đổ của quỹ đầu cơ “Long-Term Capital Management” là một khách hàng lớn của Lehman Brothers. Nhưng tiếc rằng đó chính là cuộc khủng hoảng đầu tiên mà cũng là cuối cùng Fuld nắm vai trò lèo lái con thuyền Lehman Brothers.
... Rồi lại đẩy xuống vực thẳm
Vào thập niên 1980, Fuld nắm giữ vai trò là người đứng đầu bộ phận giao dịch trái phiếu của Lehman. Còn bộ phận ngân hàng do hai nhân vật Steve Schwarzman và Pete Peterson đứng đầu. Ở thời điểm đó, Fuld là người cực kỳ thận trọng. Bộ phận ngân hàng chủ trương sử dụng nguồn vốn nợ để thực hiện các phi vụ làm ăn có tính rủi ro cao, nhưng Fuld đã kiên quyết phản đối.
Đến năm 1994, sau khi Lehman tách ra khỏi American Express, lúc đó Schwarzman and Peterson ra đi để thành lập quỹ đầu tư Blackstone và trở thành hai tỷ phú, Fuld trở thành CEO của LB.
Sự thay đổi vị trí đã khiến Fuld trở nên liều lĩnh hơn. Ông thả lỏng mô hình làm ăn kiểu đi vay kết hợp đầu tư tại bộ phận ngân hàng. Chính sự lỏng lẻo từ bên trong đã đẩy Lehman Brothers lao dốc không phanh kể từ khi khủng hoảng bắt đầu tấn công vào phố Wall và kết thúc bằng một bản tuyên bố phá sản chỉ sau 1 năm.
Lehman đã vay quá nhiều vốn và dùng phần lớn khoản tiền này vào những vụ đầu tư tài sản đáng ngờ và đặc biệt là sự tham gia vào thị trường bất động sản.
Năm 2005, giám đốc toàn cầu phụ trách dòng sản phẩm có thu nhập cố định của Lehman Brothers là Michael Gelband đã phải ra đi vì có quan điểm trái ngược về chiến lược kinh doanh này của ông Fuld.
Trong cuốn A Colossal Failure Of Common Sense của Larry McDonald - một cựu chuyên viên giao dịch cấp cao tại Lehman Brothers đã viết rằng, chính sự thèm khát âm ỉ muốn cạnh tranh với Goldman Sachs và nhiều đối thủ trên phố Wall khác đã che mờ mắt Fuld, khiến ông phớt lờ mọi cảnh báo từ các giám đốc điều hành tại Lehman về viễn cảnh của một cơn sụp đổ.
Theo Anh Sa
Trí thức trẻ/CafeF
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét