Vinamilk không chỉ là thương hiệu Việt Nam mà còn là thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới nên phải thuê tư vấn nước ngoài có đủ trình độ thẩm định giá, chứ không chỉ căn cứ vào giá trên thị trường chứng khoán.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) chiều ngày 14/9 về kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn DNNN tại một số công ty có quy mô vốn lớn.
Tiến độ cổ phần hóa thoái vốn thời gian vừa qua khá chậm. Nguyên nhân tại sao?
Tôi cho rằng chậm ở đây là chất lượng CPH, quản trị vẫn còn chậm, như Sabeco , từ ngày CPH đến giờ 9 năm rồi không niêm yết và trong nội bộ lình xình về quản trị, nhân sự. Hay dự án thua lỗ, không hiệu quả như Gang thép Thái Nguyên. Nhiều DN lớn khi IPO nhưng không bán được và CPH mới chỉ là hình thức.
Nguyên nhân thì khách quan kinh tế tăng trưởng chậm, dòng vốn hạn chế, nhưng quan trọng nhất là các bộ ngành vẫn chưa quyết liệt làm. Do đó, tới đây, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán bổ sung thêm chế tài đối với nhưng đối tượng chậm niêm yết.
Một Chính phủ liêm chính thì các đơn vị thuộc Chính phủ, các DN thuộc Chính phủ, các bộ ngành phải minh bạch, phải niêm yết, phải đăng ký giao dịch (đưa thông tin hoạt động vào đối tượng giám sát). Khi niêm yết rồi thì phải bán vốn, có bán hay không thì phải đấu giá công khai. Việc thỏa thuận là cái cuối cùng, nếu ko bán hết cái kia thì mới thực hiện.
Mới đây theo chỉ đạo của Thủ tướng phải đẩy nhanh việc thoái vốn tại 12 DN trong đó có những đơn vị rất lớn như bia, sữa liệu có làm cho tiến trình này nhanh hơn không?
Với 10 DN của SCIC thì SCIC đã được Chính phủ giao nhiệm vụ rồi, sẽ thực hiện thoái vốn với Vinamilk trong năm nay. 9 DN còn lại cũng phải lên kế hoạch để thực hiện trong năm nay và năm sau.
Trình tự phải công khai minh bạch, đúng quy định, để đảm bảo quyền lợi Nhà nước và nhà đầu tư. Thẩm quyền do SCIC trình phương án.
Để tránh gây biến động trên thị trường khi quy mô Vinamilk lớn như thế, mà thoái đồng loạt thì sẽ ảnh hưởng đến các DN còn lại, người ta không mua những anh kia nữa. Cái ngon nhất mà mình bán hết năm nay thì năm sau thị trường èo uột, không hay.
Do đó, việc bán như thế nào thì giao cho chủ sở hữu quyết định dưới sự giám sát củ Bộ ngành để làm sao hiệu quả nhất và tránh gây biên động trên thị trường. Có thể bán nhiều lần và bán một lần. Lần đầu tiên đi bán hàng, lần đầu tiên có cô gái đẹp đi ra thì phải xem xét, chứ không bán hết năm nay thì năm sau người ta nói bán rẻ. Phải thậm trọng. SCIC sẽ lựa chọn phương án để có hiệu quả.
Phải thuê tư vấn đánh giá lại, tổ chức đấu giá, lấy giá trên thị trường chứng khoán làm tham khảo để đưa ra giá khởi điểm và có sự giám sát chặt chẽ của các bộ ngành, thì sẽ đảm bảo được giá hợp lý nhất.
Vậy thưa ông Vinamilk bán nhiều như vậy, liệu có tìm được nhà đầu tư chiến lược?
Với Vinamilk phải bán cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. SCIC phải nghiên cứu, không thể bán được ở Việt Nam mà phải mời chào quốc tế. Quy mô của Vinamilk rất lớn, đối chiếu cách đây 2-3 tuần sau khi có ESOP thì quy mô đã hơn 100.000 tỷ đồng.
Nếu mà tung ra thị trường thì thị trường làm sao hấp thụ được, phải có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài mới đủ nguồn, anh nào trả cao nhất thì mua chứ không thể thỏa thuận được vì lợi ích Nhà nước là cao nhất, một cô gái đẹp mà bán rẻ thì không được.
Tư vấn cũng phải đủ trình độ để đánh giá lại. Vinamilk là một DN phát triển rất tốt về quản trị, thương hiệu rất giá trị. Trên thị trường chứng khoán, giá trị thương hiệu chỉ một phần còn có tầm nhìn, giá trị tương lai… thị trường chứng khoán chưa đánh giá hết được, nên phải có các nhà tư vấn đủ trình độ để định giá.
Vinamilk không chỉ là thương hiệu Việt Nam nữa mà đã là thương hiệu khu vực, thậm chí sang cả Mỹ. Phải đánh giá trong khu vực, ngoài nước với thương hiệu Vinamilk. Rõ ràng tư vấn quốc tế mới làm được, nếu ở Việt Nam không ai đánh giá được đủ tầm thương hiệu ấy, nên phải so sánh những nhãn hiệu, công ty ngoại khác.
Đơn cử, như vừa qua khi chúng tôi có hỏi một số DN nước ngoài về định vị một số cảng biển Việt Nam. Họ đánh giá theo cả tuyến đường đến cảng biến chứ không phải giá trị vị trí của cảng biển ấy đâu. Nó nằm ở đâu trên bản đồ khu vực và toàn cầu.
Nhà đầu tư quan tâm là làm sao đấu giá minh bạch?
Sẽ làm đúng luật thôi, còn quy trình như thế nào thì phải có cáo bạch, bản công bố thông tin như Luật Chứng khoán. Phải xây dựng quy trình đấu, đấu công khai, tổ chức tại nơi đấu giá công khai như các công ty chứng khoán, các sở giao dịch chứng khoán, trung tâm đấu giá để có được sự giám sát, kiểm tra.
Còn đối với Sabeco và Habeco , chưa bàn giao về SCIC, về mặt pháp lý vẫn thuộc Bộ Công Thương nên Bộ này vẫn là đại diện chủ sở hữu. Bộ Tài chính chỉ là cơ quan tham mưu, trong trường hợp thoái vốn mà BCT thấy cần có sự tham mưu của Bộ Tài chính và nếu thấy có vấn đề gì thì chúng tôi vẫn cảnh báo. Còn người chịu trách nhiệm chính vẫn là Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Trong thời điểm giao thời, khi IPO có những trường hợp công ty con lại trúng thầu trong quá trình đấu giá. Vậy làm sao để ngăn chặn và nếu phát hiện thì xử lý ra sao?
Ngăn chặn bằng quy chế đấu giá. Luật không cấm một người mở nhiều DN, nhưng DN tham gia đấu giá không được chung lợi ích, nếu một người chỉ đạo thì sẽ có quân xanh quân đỏ ngay.
Cam kết của nhà đầu tư, nếu cùng một người bỏ vốn thì cam kết các hồ sơ phải đảm bảo tách biệt về nguồn tiền.
Khi phát hiện được rồi, thì với trường hợp công ty đại chúng, xử lý theo luật đều có rồi, có trường hợp thông thầu thì phát hiện được phải hủy. Nhưng không được để xảy ra như thế vì sẽ làm những nhà đầu tư chân chính nản lòng. Phải giám sát và quy định rõ từ khâu đấu giá ban đầu. Chúng tôi đề nghị tổ chức ở những nơi có chức năng về đấu giá.
Theo M. Ngọc
Trí thức trẻ/CafeF
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét