Mỗi năm có hơn 400.000 sinh viên ra trường nhưng các doanh nghiệp vẫn không dùng được và phải liên kết với các trường để đào tạo nhân sự theo nhu cầu hoặc "đặt hàng" các trường.
Thiếu nguồn cung chất lượng?
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI) hồi cuối tháng 5/2016, nhu cầu tuyển dụng tăng hầu hết ở các nhóm ngành như: kinh doanh - bán hàng, cơ khí - tự động hóa, công nghệ thông tin, điện - cơ điện tử, tài chính - tín dụng - ngân hàng, quản lý điều hành...
Điều đáng nói, theo ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc FALMI là thị trường lao động thành phố đang mất cân đối về số lượng cũng như chất lượng trong cơ cấu ngành nghề và trình độ chuyên môn cũng như tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật, quản lý sản xuất - kinh doanh, kinh tế dịch vụ...
Để có được người như nhu cầu, các doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo lại hoặc liên kết với các trường đào tạo theo "giáo trình của doanh nghiệp". Chia sẻ tại một hội thảo về nhân sự, Tổng giám đốc Công ty Intel Products Vietnam Sherry Boger cho rằng: "Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao là khó khăn đối với Intel. Để giải quyết khó khăn này, Intel đã phải đầu tư 20 triệu USD để gửi sinh viên ra nước ngoài đào tạo và trở về làm việc cho công ty".
Không nhiều kinh phí như Intel nhưng hằng năm, Saigon Co.op cũng dành một nguồn ngân sách nhất định để đưa người ra nước ngoài đào tạo vì tại Việt Nam chưa có trường đào tạo chuyên ngành bán lẻ.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam ở mức 3,79 điểm, xếp thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Trong hơn 53,4 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, chỉ có khoảng 49% qua đào tạo, trong đó đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên chỉ chiếm 19%. Điều này cho thấy Việt Nam đang thiếu lao động có tay nghề cũng như công nhân kỹ thuật bậc cao.
Các nghiên cứu còn cho thấy, nguồn cung nhân lực đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp sẽ tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới. Vì thế, các doanh nghiệp sẽ còn cần phải đào tạo lại nếu muốn có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu.
Theo dự báo của Tổng cục Dạy nghề, để chuẩn bị cho nguồn nhân lực hội nhập AEC và quốc tế giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam cần đào tạo mới 6,7 triệu người ở trình độ cao đẳng, trung cấp, và 10 triệu người ở trình độ sơ cấp và giáo dục nghề.
Dự báo từ Tập đoàn tư vấn McKinsey, đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt 15% lao động có tay nghề cao và dư thừa khoảng 10% nguồn nhân lực có tay nghề thấp. Các nền kinh tế đang phát triển tại khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam có thể sẽ thiếu hụt đến 45 triệu lao động có tay nghề trung bình vào năm 2020.
Liên kết đào tạo
Trước tình hình trên, các doanh nghiệp buộc phải liên kết, hợp tác trong tìm nguồn nhân lực.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp, từ lĩnh vực ngân hàng cho đến FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) đều triển khai chương trình huấn luyện quản trị (Management trainee) để tạo nguồn nhân sự như nhu cầu của mình, chẳng hạn như các công ty như Vinamilk, Hoa Sen, Kido, Thế Giới Di Động...
Cuối tháng 8/2016, Công ty Prudential Việt Nam đã ký kết hợp tác về phát triển nguồn nhân lực với 4 trường đại học: Ngoại Thương, Quốc Tế, Khoa học Tự nhiên và RMIT. Với chương trình này, Prudential liên kết tổ chức các cuộc thi về kinh doanh, các khóa huấn luyện chuyên sâu cho sinh viên, cùng với các giảng viên nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao kiến thức chuyên môn, nâng cao năng lực giảng dạy...
Cũng như Prudential, từ nhiều năm nay, Big C Việt Nam đã liên kết với RMIT và Viện Công nghệ châu Á (AIT-VN) triển khai hoạt động đào tạo quản trị bán lẻ chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu về nhân sự của doanh nghiệp.
Theo THANH NGÂN
DNSG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét