Thông qua việc mua lại ngành mía đường tại Lào của Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đang có tham vọng tiến xa hơn trong lĩnh vực này.
Dù hai bên không chính thức xác nhận việc chuyển nhượng, nhưng với động thái cũng như những thông tin mà chúng tôi có được cho thấy, thông qua 2 thành viên là Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (mã chứng khoán: SBT) và Công ty CP Đường Biên Hòa (BHS), TTC đã tiến hành những động tác cần thiết để tiếp quản hoạt động liên quan đến ngành đường của bầu Đức tại Lào.
Với bước đi này, gia đình ông Đặng Văn Thành được đánh giá như “giải cứu” bầu Đức, đồng thời mở rộng quy mô để trở thành một đại gia trong ngành mía đường.
Thương vụ đình đám
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán, cho biết vừa qua 2 công ty này đã huy động khoảng 1.500 tỷ đồng qua việc phát hành trái phiếu, nhằm gia tăng tiềm lực tài chính. Có thể đây là động thái phối hợp nguồn lực để tiến hành mua lại ngành mía đường của HAG tại Lào.
Thị phần đường của các đơn vị do gia đình ông Đặng Văn Thành quản lý đang chiếm lớn nhất nước với gần 30% ở phía Nam. Trong đó, SBT là con chim đầu đàn, nhiều tiềm lực nên sẽ là đơn vị tiếp quản nhà máy đường tại Lào của HAG.
Theo thông tin HAG từng công bố, tập đoàn này đã đầu tư 87 triệu USD vào các dự án tại Lào, trong đó có nhà máy nhiệt điện, vùng nguyên liệu mía khoảng 6.000 ha, nhà máy đường có công suất ép 7.500 tấn mía/ngày (lớn nhất ở Lào hiện nay) cho sản lượng đường hằng năm khoảng 50.000 tấn.
Vấn đề quan trọng là giá thành sản phẩm tại nhà máy đường HAG ở Lào hiện chỉ 8.000-9.000 đồng/kg, tương đương Thái Lan, trong khi ở Việt Nam lên đến 11.000-12.000 đồng/kg.
Đường ở Lào của HAG có giá thành thấp là nhờ vùng nguyên liệu lớn, thổ nhưỡng tốt, năng suất mía lên đến 120 tấn/ha, gấp đôi mức trung bình của Việt Nam.
Tham vọng lớn
Nói về triển vọng của TTC sau khi nắm giữ ngành đường tại Lào của bầu Đức, GS-TS Võ Tòng Xuân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu mía đường Tây Ninh của TTC, nhìn nhận phía ông Đặng Văn Thành sẽ có nhiều lợi thế. Như SBT có vùng nguyên liệu lớn và tập trung, thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất mà công ty này đã đầu tư. Nhờ đó, giảm đến 50% chi phí so với việc sản xuất manh mún.
Nếu có được dự án mía đường ở Lào, TTC sẽ có nhiều lợi thế trong cạnh tranh với sản phẩm của Thái Lan.
Ngoài ra, theo GS-TS Võ Tòng Xuân, TTC có thể tăng lợi nhuận từ việc dùng mía sản xuất ethanol để xuất khẩu. Hiện nay, 50% lượng ethanol sản xuất từ mía ở Brazil đã được xuất khẩu sang Mỹ để dùng làm xăng sinh học, loại nhiên liệu thân thiện hơn với môi trường.
Tại đại hội cổ đông vừa qua, ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT SBT, cho biết SBT đang phát triển mô hình sản xuất đường sạch khép kín. Sắp tới, công ty sẽ đẩy mạnh việc tiết giảm chi phí, hạ giá thành đường xuống thấp nhất có thể.
Hiện tại, SBT đã có vùng nguyên liệu lớn ở Tây Ninh và Campuchia, đang mở động đến Gia Lai. Sau khi chính thức “thâu tóm” vùng nguyên liệu tại Lào của HAG, SBT có tham vọng trở thành một doanh nghiệp lớn về mía đường ở Đông Dương.
Một chuyên gia kinh tế đánh giá: “Thay vì phải tốn nhiều thời gian, chi phí để nâng công suất, cải tiến công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, việc mua lại ngành mía đường ở Lào của HAG là bước đi hiệu quả nhất để TTC tăng nhanh nội lực”.
ThS Phan Dũng Khánh, Giám đốc phân tích đầu tư của Công ty CP Chứng khoán Maybank KimEng, cho rằng việc đầu tư vào ngành đường ở Lào với chi phí thấp, cộng với nội lực, TTC có thể vươn lên tầm quốc tế.
Theo Sơn Nhung
Người Lao Động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét