Lưu ý:

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Ngẫm từ vụ chồng Thu Minh tới Lingo, càng làm ăn với "Tây" càng phải cẩn trọng!

Từ vụ chồng Thu Minh liên tiếp bị tố lừa đảo đến việc 265 nhân viên Lingo bị đẩy ra đường trong 2 tiếng đồng hồ, có thể thấy rằng không phải cứ "chơi với Tây" là an toàn. Càng làm việc, chúng ta càng nhận ra phải đề phòng và nắm chắc luật bởi sự “sòng phẳng” của họ nếu có, có thể lại là chiêu trò lợi dụng pháp luật và các hợp đồng, thỏa thuận đã ký kết.

Dạo gần đây, chồng ca sĩ Thu Minh, ông Otto De Jager (quốc tịch cộng hòa Czech), một doanh nhân kín tiếng nhưng lại được quảng cáo rất ầm ĩ về sự giàu có bỗng tràn ngập trên các mặt báo.

Mặc dù vậy, những thông tin liên quan đến “đại gia Tây” này chẳng mấy tốt đẹp. Đó toàn là chuyện kiện tụng đòi tiền bồi thường căn penthouse trị giá vài chục tỷ đồng và tiếp theo là chuyện ông Otto bị gần 20 doanh nghiệp gỗ Việt kiện với tội lừa đảo.

Với người làm kinh doanh, cứ dính vào kiện tụng đã là chẳng có gì hay ho, trừ khi anh thực sự muốn như vậy. Tuy nhiên trong cả trong 2 vụ kiện, ông Otto đều là người “trên cơ” nhờ nắm rất chắc chắn các cơ sở pháp lý.

Thế mới sinh ra chuyện dở khóc dở cười là các DN gỗ Việt, từ chủ nợ của công ty Global Home (do ông Otto làm tổng giám đốc), bỗng nhiên trở thành con nợ và tiền hàng mãi không được thanh toán. Hay như chủ căn penthouse 63 tỉ kia, vợ chồng Thu Minh chỉ cần đặt cọc 2 tỉ mà đã đòi được tới hơn 12 tỉ tiền bồi thường.

Làm ăn với Tây, người Việt thường mắc vào tâm lý “nhẹ dạ”, để rồi nhiều khi dẫn tới chuộc họa vào thân, lâm vào thảm cảnh còn tệ hơn “làm ăn với ta”. Doanh nhân Hoàng Khải, người được biết đến với cái tên Khải Silk đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình như vậy. Ông Khải cho rằng vụ việc tranh chấp giữa các doanh nghiệp gỗ trong nước với ông Otto cũng nói lên một sự việc đã tồn tại rất lâu ở Việt Nam là "chúng ta rất ngại giao tiếp với người nước ngoài".

Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do vốn tiếng Anh không tốt và nước mình còn nghèo nên có những trường hợp người nước ngoài sống ở Việt Nam đã lợi dụng để “bắt nạt”.

Gọi là bắt nạt thì hơi quá, nhưng việc người Tây dùng pháp lý để ép người Việt không phải là chuyện xa lạ. Vụ việc của trang TMĐT Lingo mới đây là một ví dụ khác.

Việc đại diện Quỹ đầu tư Maj Invest Equity Vietnam I K/S - một trong 4 quỹ đầu tư của Maj Invest phụ trách thị trường Việt Nam – tuyên bố giải thể Lingo và chấm dứt hợp đồng lao động với 265 nhân sự của công ty này có thể khiến người ngoài nhìn vào thấy bình thường, cũng như sự ra đi của Bé yêu hay Deca.vn một dạo.

Nhưng với những nhân sự bất ngờ bị đẩy ra đường, tiền bảo hiểm vẫn chưa được chi trả và chế độ thai sản cũng bằng không. Đấy là chưa kể, lương tháng cuối làm việc và nợ tiền hàng được “bàn giao” lại cho nhân viên. Đại diện Maj Invest thì khẳng định như đinh đóng cột là họ đã nghiên cứu rất kỹ pháp luật Việt Nam và họ đang làm đúng luật, có kiện cũng vô ích vì họ đã … hết tiền.

“Rất nhiều anh em về Lingo vì niềm tin quỹ đầu tư sẽ đủ vốn cho Lingo trong 3 năm, vì họ là một quỹ đầu tư Châu Âu chứ không phải quỹ của Hongkong, Trung Quốc, hay Singapore... Nhưng mọi người đã hoàn toàn thất vọng, và thất vọng hơn nữa ở cách ứng xử của họ.”, một nhân viên của Lingo chia sẻ.

Đồng ý rằng nhà đầu tư không phải “hoa hậu thân thiện”, không phải “quỹ từ thiện”, nhưng việc “máu lạnh” tới mức thông báo giải thể và chấm dứt hợp đồng với 265 lao động trong vòng 24 tiếng, không quan tâm tới các vấn đề bảo hiểm xã hội, công nợ đối tác, kho hàng… thì quỹ Châu Âu này đã thua xa một dự án thương mại điện tử Việt Nam như Deca.vn

Hãy thử làm một chút so sánh. Cùng rơi vào cảnh phải đóng cửa như Lingo, nhưng khi thông báo khai tử Deca, ông Phan Minh Tâm, CEO 24h, đơn vị quản lý Deca cho biết mọi đơn hàng dang dở sẽ được thực hiện, mọi nghĩa vụ chưa hoàn thành sẽ được hoàn thành một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp nhất cho mọi đối tác, các nhà cung cấp, người mua hàng cũng như các đơn vị vận chuyển, vận hành.

Một nhân viên từng làm việc tại Deca cho biết, khi giải thể, mỗi nhân viên được hưởng thêm 2 tháng lương với các khoản trợ cấp đầy đủ.

Tất nhiên, bên cạnh sự tử tế, cũng phải nhìn nhận thực tế đó là 1 đơn vị Việt Nam sẽ có nhiều áp lực và ràng buộc phải thực hiện hơn so với một đơn vị ở nước ngoài. Đó là áp lực từ dư luận, từ truyền thông. Nhưng chính những sự ràng buộc đấy, lại là yếu tố cho thấy các đơn vị trong nước hoàn toàn đáng tin cậy hơn những đối tác nước ngoài. Vậy tại sao chúng ta thường tin tưởng “Tây” hơn?

Dù sao thì sự việc của Global Home và Lingo cũng là bài học cho những DN Việt vốn đặt niềm tin vào người Tây. Họ văn minh, chuyên nghiệp thực, nhưng sự chuyên nghiệp đó là để phục vụ cho lợi ích của họ mà thôi. Thứ bảo vệ thực sự được DN Việt, chỉ có luật pháp Việt Nam mà thôi.

Bảo Bảo

Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét